Hiện tại, tín dụng ngân hàng có mức tăng trưởng thấp do nợ xấu vẫn ở mức cao và khả năng hấp thụ vốn của DN còn yếu. Liệu có thể sớm đạt được mong muốn nêu trên?
Vốn hóa TTCK còn nhỏ
Tính đến cuối năm 2013, vốn tín dụng nội địa của Việt Nam bằng 106% GDP, vốn hóa TTCK bằng 31% GDP. Trong khi đó, cuối năm 2012, vốn hóa TTCK Thái Lan chiếm 104% GDP, Malaysia là 157%, Singapore là 151% GDP. Sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng của Việt Nam không phải là không tích cực, một số nước có vốn tín dụng/GDP cao hơn nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng của vốn tín dụng ngân hàng giả định ở mức trung bình 10 - 12% sẽ kéo theo giảm tỷ trọng vốn TTCK nếu Việt Nam không thay đổi chiến lược đối với TTCK sau 5 - 10 năm nữa và thay đổi căn bản về tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Câu hỏi đặt ra là đã đến lúc Việt Nam có chiến lược để cạnh tranh với TTCK các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… hay chưa? Đứng trên góc độ của các NĐT nước ngoài, họ sẽ đầu tư vào thị trường nào có thể tạo ra lợi nhuận hợp lý với mức độ rủi ro chấp nhận được.
Quan trọng là mức độ rủi ro này có thể đo lường và so sánh với các hàng hóa cùng loại trên TTCK trong khu vực. Vấn đề của TTCK Việt Nam là cần nâng các tiêu chuẩn của hàng hóa (chứng khoán) cùng mặt bằng với các nước trong khu vực.
Theo đó, các NĐT có thể yên tâm về việc đo lường rủi ro và khi đó, họ sẽ coi chỉ số giá cổ phiếu/lãi trên 1 cổ phiếu (P/E) là quan trọng khi lựa chọn cổ phiếu trên TTCK. Thực tế, các nhà phân tích chứng khoán đã chỉ ra P/E của cổ phiếu Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nhưng sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Nâng tiêu chuẩn niêm yết để thu hút vốn ngoại
Bỏ qua các yếu tố kinh tế vĩ mô, rủi ro chính trị, hoặc vấn đề nới lỏng chính sách về “room” đối với NĐT nước ngoài, vì nằm ngoài phạm vi có thể kiểm soát của TTCK, chúng ta chỉ xem xét chất lượng hàng hóa dựa trên các tiêu chuẩn, yêu cầu về niêm yết với các nước trong khu vực để xem khoảng cách với họ thế nào.
Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam là: Liệu 5 năm tới, Việt Nam có nâng tiêu chuẩn, yêu cầu niêm yết tương đương Thái Lan, Malaysia bây giờ không? 10 năm nữa có nâng lên bằng Singapore hiện tại không? Khi đó, tiêu chuẩn, yêu cầu của họ có thể sẽ tăng lên, nhưng Việt Nam cần hoạch định các bước đi cụ thể để đạt được các mục tiêu này.
Từ định hướng trên, cần phải truyền thông tới các DN để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu/tiêu chuẩn mới. Đối với DN đã niêm yết, yêu cầu lộ trình đạt các tiêu chuẩn/yêu cầu mới trong 3 - 5 năm. Đối với DN mới, khi niêm yết cần có cam kết lộ trình sẽ thực hiện theo các tiêu chuẩn/yêu cầu mới trong 5 năm tới.
Về lộ trình nâng cấp các nhóm tiêu chuẩn/yêu cầu niêm yết, nên đưa ra các kế hoạch cho từng loại như sau:
Thứ nhất, đối với nhóm yêu cầu về quy mô DN, sức khỏe DN. Hiện tại, nhiều DN quy mô nhỏ, khả năng sinh lời và tăng trưởng kém bền vững. Do đó, cần tăng thêm các DN cổ phần hóa và niêm yết lớn, ngành nghề hấp dẫn, như viễn thông, hàng không, dầu khí; tăng thêm phần bán cổ phần Nhà nước trong các DN đã cổ phần hóa có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn, không thuộc danh sách phải nắm giữ cổ phần chi phối.
Đồng thời, đưa ra lộ trình áp dụng tiêu chuẩn niêm yết mới trong 3 - 5 năm tới. Khi đó, số lượng và chất lượng hàng hóa trên TTCK sẽ thay đổi theo hướng quy mô DN niêm yết tương đương với các nước trong khu vực, chất lượng cao hơn tạo sức hấp dẫn hơn đối với NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài.
Các nhà hoạch định chính sách có thể hoạch định bao nhiêu DN lớn của Việt Nam sẽ niêm yết trên TTCK, vốn hóa thị trường bằng bao nhiêu % GDP, TTCK có thực sự là hàn thử biểu của nền kinh tế hay không.
Thứ hai, đối với nhóm yêu cầu về chuẩn mực kế toán áp dụng. Đây là nhóm yêu cầu khá quan trọng với NĐT nước ngoài, bởi lẽ họ không hiểu biết sâu sắc về văn hóa kinh doanh ở Việt Nam, do đó, cái họ cần là hàng hóa có thể so sánh được.
Chuẩn mực kế toán được coi như một máy lọc thông tin tài chính mang tính khuôn mẫu để “đồng nhất hóa kế toán” hay “hài hòa các chính sách kế toán” nhằm tạo ra thông tin tài chính có kiểu dáng, nội dung và bản chất tương đương với các nước khác.
Có như vậy, NĐT nước ngoài mới tự tin để đem ra so sánh với hàng hóa của các nước khác và xem xét các quyết định đầu tư vào Việt Nam hay nước khác.
Hơn nữa, đối với các NĐT thận trọng thì họ sẽ chỉ đầu tư vào nước hoặc DN nào đã áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Như vậy, trong 3 - 5 năm tới, nếu Việt Nam yêu cầu các DN niêm yết áp dụng IFRS thì đây sẽ là một yếu tố thu hút NĐT nước ngoài.
Tuy nhiên, việc xem xét lộ trình áp dụng IFRS cần chuẩn bị kỹ, vì nó không chỉ liên quan đến việc quy định chính sách, chuẩn mực kế toán, mà còn là sự thay đổi rất lớn về: tuyên truyền, phổ biến, đào tạo sâu rộng từ các trường đại học, đến các DN, cơ quan quản lý nhà nước liên quan; sự sẵn sàng và sẵn có của các thông tin thị trường, thông tin thống kê phục vụ cho kế toán theo IFRS, đặc biệt là đánh giá “giá trị hợp lý” theo IFRS; sự chuẩn bị về nguồn lực của các DN cho việc đầu tư vào nhân sự kế toán, công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu thống kê của DN…
Nếu quyết tâm thực hiện kế hoạch 3 - 5 năm này, cần phải có các nhóm dự án, chương trình đối với từng vấn về cần chuẩn bị nêu trên, đồng thời phải có một cơ quan đầu não để điều phối các nhóm dự án, chương trình và có đủ quyền để giám sát tiến độ, kiểm soát chất lượng.
Thứ ba, đối với nhóm yêu cầu về quản trị công ty, quản trị rủi ro, minh bạch thông tin, bảo vệ lợi ích cổ đông thiểu số. Đây là nhóm yêu cầu được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hoàn thiện trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Riêng về quản trị rủi ro thì chưa được đề cập nhiều trong các quy định hiện hành. Nếu so sánh với yêu cầu của các nước trong khu vực thì việc thu hẹp khoảng cách với các nước về nhóm yêu cầu này hy vọng sẽ nhanh hơn và mang tính ý chí của cơ quan quản lý nhà nước cũng như của DN.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là sự thay đổi về văn hóa quản trị DN, quản trị rủi ro, văn hóa về tôn trọng và bảo vệ lợi ích cổ đông thiểu số. Điều này đòi hỏi không chỉ là các quy định, mà còn cần nhiều sáng kiến như chế tài xử phạt, phân loại và ghi nhận những DN đi đầu trong việc áp dụng các phương pháp quản trị DN, quản trị rủi ro tiên tiến và sự chuyển biến trong văn hóa kinh doanh của các DN.
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, con đường phía trước có khá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lựa chọn con đường này.