Ngân hàng đang nỗ lực khơi thông tín dụng

(ĐTCK) Không chỉ có doanh nghiệp cần được hỗ trợ vốn, mà phía ngân hàng cũng rất cần đến doanh nghiệp để cải thiện tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng đang nỗ lực khơi thông tín dụng

Cung - cầu vốn hiện nay khó gặp nhau, một phần do sức mua của thị trường còn yếu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp bền chặt

Đây là mối quan hệ đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Các DN cần đến ngân hàng hỗ trợ vốn tiến hành sản xuất - kinh doanh để thực hiện các dự án tái cơ cấu trong bối cảnh thị trường có khó khăn. Ngược lại, phía ngân hàng cần đến DN để cải thiện tình trạng tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp.

Trong 3 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn ngành chỉ tăng xấp xỉ 1% so với yêu cầu đưa ra cho cả năm là 12 - 14%, do đó, các ngân hàng đang chủ động khơi thông nguồn vốn hỗ trợ DNVVN nói riêng và nền kinh tế nói chung để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, phía DN cũng cần có sự hợp tác và minh bạch khi có nhu cầu vay vốn.

Hơn một năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM tổ chức nhiều buổi kết nối giữa ngân hàng - DN, nhất là với các DNVVN, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa của chương trình này đến với cộng đồng DN. Đến nay, hơn 35.000 DNVVN trên địa bàn TP. HCM đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng, với lãi suất thấp nhất là 8%/năm và tối đa khoảng 12%/năm. Tổng dư nợ cho vay của chương trình kết nối ngân hàng - DN đạt 17.671 tỷ đồng; riêng năm 2013 đạt 13.704 tỷ đồng, cho vay 654 khách hàng DN, hộ sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã.

Dù thiếu tài sản thế chấp, nhưng với các phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, phía ngân hàng cũng đã có giải pháp khắc phục khó khăn cho DN bằng cách cử cán bộ xuống cùng DN xây dựng hoặc tạo điều kiện xử lý nợ xấu, tìm đầu ra để giải quyết hàng tồn kho và cuối cùng là hỗ trợ vốn lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN. Quy mô vốn của chương trình cho vay ưu đãi này trong năm 2014 tăng lên gấp đôi, trên 20.000 tỷ đồng, thay vì chỉ có 13.000 tỷ đồng như năm 2013. Lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm dần, ít nhất là 1 - 2%/năm so với hiện nay.

Mặc dù quy mô và số lượng DN được hỗ trợ thông qua chương trình còn khiêm tốn so với số lượng DN trên địa bàn, song kết quả của chương trình là rất quan trọng và mang lại hiệu quả lớn đối với DN, đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh. Năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố đã có nhiều khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng 6,35%, tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với năm 2012, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 9,04%.

Bên cạnh đó, chương trình cho vay bình ổn cũng thu hút được các ngân hàng, DN tham gia, tạo cầu nối kích cầu vốn. Nếu như năm 2013, chỉ có 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn tham gia cho vay bình ổn, tổng nguồn vốn cho vay là 1.960 tỷ đồng, thì trong năm 2014 này, các ngân hàng tham gia chương trình được mở rộng, với lãi suất cho vay từ 5,5 - 6%/năm. Tính đến thời điểm này, nguồn vốn ngân hàng đăng ký cho vay chương trình bình ổn đã lên đến 8.150 tỷ đồng và khả năng nguồn vốn này còn tăng cao trong thời gian tới.

Trước mắt, vốn ưu đãi sẽ được tập trung hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực kinh doanh gia súc, gia cầm. Hiện có 72 DN đăng ký tham gia kinh doanh hàng bình ổn theo danh sách của Sở Công thương Thành phố. NHNN TP.HCM đang làm việc với Sở Công thương để từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, nhất là với các đơn vị tham gia sản xuất - kinh doanh hàng bình ổn. Trong đó, 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn sản xuất, với lãi suất 5,5 - 6%/năm; 3.250 tỷ đồng cho vay cung ứng hàng hóa, tham gia bình ổn; 1.900 tỷ dồng cho vay trung - dài hạn để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất, mức lãi suất dao động từ 7 - 9%/năm, nhưng không quá 8%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Chương trình triển khai cho vay ưu đãi của Thành phố năm 2014 bao gồm: cho vay ngắn, trung và dài hạn cả VND và ngoại tệ trên các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, DNVVN, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Vì thế, các ngân hàng quan tâm tiếp cận DN, tháo gỡ khó khăn cho DN, xem xét cho vay để có điều kiện tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Hiện nguồn vốn huy động cũng được cơ cấu lại và gia tăng kỳ hạn gửi dài ngày, thay vì tập trung vào kỳ hạn ngắn như trước. Đây là điều kiện tốt để phát triển tín dụng trung, dài hạn.

Tín dụng sẽ dần được khơi thông

So với cuối năm trước cũng như đầu năm nay, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện rất nhiều. Lãi suất huy động hiện thấp hơn 2 - 4%/năm và cho vay ra thấp hơn 3 - 6%/năm so với năm 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại dao động trong khoảng 8 - 10%/năm và còn thấp hơn đối với lãi suất áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Nhưng để có thể kích cầu tín dụng, khả năng lãi suất cho vay sẽ phải giảm thêm 1 - 1,5 điểm phần trăm trong năm nay, cho dù lãi suất huy động khó có thể giảm sâu trong thời gian tới. Đặc biệt, với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, hiện trần lãi suất cho vay chỉ có 8%/năm, nếu diễn biến thị trường phù hợp, lạm phát được kiểm soát tốt, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh giảm mức trần này.

Sau Tết Nguyên đán 2014, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng chậm lại, trong khi nguồn tiền gửi vẫn dôi dư. Đồng thời, với quyết định hạ thêm 1 điểm phần trăm đối với trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 6%/năm mới đây, các ngân hàng cũng đã giảm dần lãi suất huy động để cắt giảm chi phí và có cơ sở giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khách hàng DN trong thời gian tới để kích cầu tín dụng, khơi thông vốn. Cuối quý II này, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm lãi suất từ 1 - 2 điểm phần trăm.

Đầu năm nay, ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 12 - 14%. Đạt được mục tiêu này là không dễ dàng trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn. Tồn kho và sức mua chưa cải thiện nhiều thì nhu cầu vốn của DN khó có thể tăng cao. Trong năm qua, lãi suất cho vay đã giảm nhiều, đồng thời yếu tố lãi suất và quan hệ tín dụng không còn là rào cản đối với DN trong quá trình tiếp cận vốn vay, song nhu cầu vốn của DN vẫn không tăng mạnh, kể cả thời điểm cuối năm. Vì thế, bên cạnh việc giảm lãi suất, cần có thêm các giải pháp kích cầu để giải quyết tồn kho cho DN. Khi đó, nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ được giải quyết nhanh hơn, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn.

Mục tiêu năm 2014 mà Quốc hội, Chính phủ đưa ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%, cao hơn so với năm 2013 (5,4%). Vì thế, ngành ngân hàng đang nỗ lực thực hiện đồng bộ hai chính tài khóa và tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay. Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng gặp khó trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã tăng cường mua trái phiếu chính phủ. Khi trái phiếu chính phủ phát hành và thu hút được người mua mới có nguồn vốn để đầu tư vào các dự án đầu tư công trọng điểm. Các dự án này được khởi động sẽ có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa là vật liệu xây dựng. Lúc này, các DN kinh doanh trong lĩnh vực sắp thép, xi măng… mới có thể giải phóng được hàng tồn kho, trả nợ vay ngân hàng và vay mới. Từ đó, vòng quay vốn của DN lẫn ngân hàng sẽ nhanh hơn, tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng. Do đó, NHNN chủ trương thực hiện đồng bộ 2 chính sách nêu trên, cộng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Chẳng hạn, kết nối cung - cầu vốn cho các DN có dự án kinh doanh khả thi với lãi suất ưu đãi.

Đối với vấn đề nợ xấu, các ngân hàng đã và đang tích cực xử lý, trong đó có việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Còn với khoản vay mới, ngân hàng kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, điều kiện tốt hơn đối với ngân hàng trong việc đẩy mạnh cho vay hiện nay vẫn là sức khỏe của DN đang dần cải thiện, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kỳ vọng sẽ tốt hơn trong các quý tiếp theo.

Trong năm 2013, riêng khu vực TP. HCM xử lý được khoảng 34.000 tỷ đồng nợ xấu, cộng thêm 2 tháng đầu năm 2014, con số nợ xấu đã xử lý được là 36.000 tỷ đồng, thông qua 4 giải pháp: trích dự phòng rủi ro, thu nợ của khách hàng, bán tài sản thế chấp và bán tài sản cho VAMC. Trong năm nay, VAMC dự kiến mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng. NHNN Chi nhánh TP. HCM đang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất. Từ những điều kiện thực tế nêu trên, việc lãi suất sẽ giảm thêm 1 - 2 điểm phần trăm trong thời gian tới là có cơ sở, từ đó tín dụng sẽ dần được khơi thông.                      

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục