Theo ông, nhu cầu vốn của doanh nghiệp có tăng trong 2 quý cuối năm để cải thiện tín dụng?
Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế trong năm nay tuy đã có dấu hiệu cải thiện so với năm 2013, nhưng vẫn phụ thuộc vào sức mua của thị trường. Nếu sức mua trong những tháng cuối năm có dấu hiệu cải thiện tốt, thì tồn kho mới có thể giảm. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Một nghịch lý đang tồn tại là, không ít doanh nghiệp đang rất cần vốn, song không đáp ứng được các điều kiện đưa ra, như thiếu tài sản đảm bảo…, nên không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tốt được ngân hàng săn đón lại chưa có nhu cầu vay vốn, do sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường vẫn yếu, hàng sản xuất ra không bán được, nên hạn chế vay.
Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hiện nay có phù hợp không, thưa ông?
Tuy mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam hiện nay vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước, nhưng trong hơn 1 năm qua, lãi suất cho vay đã dần được các ngân hàng điều chỉnh. Trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay chỉ còn 8%/năm. Thậm chí, đối với lĩnh vực xuất khẩu, nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay xuống 7 - 7,5%/năm.
Tuy nhiên, tìm kiếm được khách hàng cho vay trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Cạnh tranh về thị phần tín dụng cũng ngày càng gay gắt. Kết quả là, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 1%. Có thể nói, thời điểm này, lãi suất, quan hệ tín dụng không còn là nguyên nhân tác động đến doanh nghiệp như các năm trước đây, mà quan trọng hơn là sức mua của thị trường.
Nhưng thực tế, để tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng lúc này vẫn khó, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi ngân hàng lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng, nên kiểm soát rất chặt?
Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ hay khó còn tùy thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp. Thực tế lâu nay cũng cho thấy, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tiếp cận được vốn vay quả thực không dễ, bởi loại hình doanh nghiệp này hiện nay đa phần bị cạn tài sản đảm bảo, trong khi ngân hàng phải siết chặt quản lý để giảm thiểu rủi ro. Vì thế, cung - cầu vốn khó gặp được nhau.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm cũng mang tính chất mùa vụ, nên tình hình có thể cải thiện trong những tháng cuối năm, khi các giải pháp kích cầu được triển khai rộng. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 12 - 14% là có thể đạt được. Nhưng để khơi thông được dòng chảy tín dụng, trước hết, cần phải cụ thể hóa và triển khai nhanh hơn các giải pháp kích cầu để kích tín dụng.
Ông đánh giá như thế nào việc xử lý nợ xấu để khơi dòng tín dụng hiện nay?
Ngân hàng nào càng đẩy mạnh việc bán nợ xấu, thì ngân hàng đó sẽ càng nâng cao chất lượng, vì nợ xấu đã được đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, việc bán nợ xấu của các ngân hàng hiện nay mới được chuyển đổi qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và kéo dài thời gian. Vì vậy, cần thiết phải hình thành thị trường mua - bán nợ để có thể xử lý triệt để nợ xấu, với sự tham gia mua nợ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu hiện nay đòi hỏi phải có thời gian, không thể thực hiện ngay được.