Hạ lãi suất cho vay, ngân hàng còn phải đợi!

(ĐTCK) Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm từ 0,5 - 1%/năm, thế nhưng, ngoại trừ những lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các khu vực khác vẫn chưa giảm.
Lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động Lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động

Chờ lãi suất giảm

Khi được hỏi về lộ trình giảm lãi suất cho vay, lãnh đạo nhiều NHTM cho rằng, do mặt bằng lãi suất huy động mới giảm, nên các ngân hàng cần có thêm thời gian để trung hòa lượng vốn huy động lãi suất cao thời gian trước.

Điều này được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, trong “thúng vốn” đổ đồng của các ngân hàng, vẫn còn nhiều món tiền gửi tiết kiệm cũ với lãi suất cao, còn các món huy động mới với lãi suất được điều chỉnh thì chưa đáng kể, nên bình quân lãi suất đầu vào của các ngân hàng vẫn khá cao. Do vậy, các ngân hàng cần thời gian để trung hòa nguồn vốn cũ và mới, để hạ dần giá vốn, nên chưa thể giảm ngay và nhiều lãi suất đầu ra được.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với cách giải thích này, bởi cơ cấu vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Bởi lẽ trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn. Rõ ràng, khi mặt bằng lãi suất huy động đã giảm thấp thì mặt bằng lãi suất cho vay cũng phải giảm theo. Thực tế này khiến không ít DN có tâm lý đợi lãi suất cho vay giảm thì mới vay.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp có quy mô nhỏ chuyên sản xuất bao bì ở Đồng Nai chia sẻ, trần lãi suất huy động của NHNN đã giảm, nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng hiện vẫn còn cao, nên DN của ông chờ đợi giảm thêm mới vay vốn trở lại.

Tuy nhiên, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lại cho rằng, chính sách tiền tệ còn ít dư địa, để khơi thông được tín dụng,  vấn đề xuất phát từ phía cầu, chứ không phải là phía cung.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB nhận định, với thanh khoản dồi dào của các ngân hàng hiện nay, lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2014. Khi đó, cơ hội của các DN vay vốn khôi phục sản xuất - kinh doanh sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng trầm lắng trong những tháng đầu năm 2014, ngay cả khi loại trừ yếu tố thời vụ đã phần nào cho thấy sự mất phương hướng trong kinh doanh của nhiều DN Việt Nam.

“Điều cần thiết nhất lúc này là Chính phủ và các bộ ngành phải có định hướng phát triển cho các ngành nghề mà thị trường đang có nhu cầu, để từ đó, giúp DN khôi phục sản xuất - kinh doanh. Việc khôi phục dòng chảy tín dụng và giúp các DN vượt qua suy thoái cần một loạt giải pháp kết hợp từ các cơ quan ban ngành liên quan, chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng là đủ”, ông Văn nhấn mạnh.

Thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, đến cuối tháng 3, tín dụng đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2. Đến cuối tháng 1/2014, tín dụng phục vụ khu vực xuất khẩu tăng 1,28%, tín dụng vào khu vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,73%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 0,41% so với cuối năm 2013.

Đến cuối tháng 2/2014, tín dụng đối với nông nghiệp - nông thôn tăng khoảng 0,15% so với cuối năm 2013. Riêng tín dụng đối với DN nhỏ và vừa vẫn giảm so với cuối năm 2013, bởi sức hấp thụ vốn của khối DN này thấp, nhiều DN có tình hình tài chính yếu kém, nên không đủ điều kiện vay vốn.

Tín dụng tăng chậm ảnh hưởng đến tổng cầu

Có ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng chần chừ hạ lãi suất một phần cũng bởi muốn duy trì lợi nhuận cao để bù đắp cho nợ xấu. Cũng chính vì lý do này nên nhiều lần các chuyên gia khuyến nghị, muốn khơi thông dòng chảy tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cần phải đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

“Khi các ngân hàng xử lý nợ xấu, họ cần bơm thêm vốn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào họ sẽ được tái cấp vốn và bằng cách nào. Việc tái cấp vốn cho các ngân hàng và cải cách DNNN cần được tiến hành đồng thời với việc xử lý nợ xấu”, ông Dominic Mellor nói.

Nhưng dù vì lý do gì, việc tín dụng tăng trưởng ì ạch đã hạn chế đà hồi phục của tổng cầu cũng như tăng trưởng của nền kinh tế. Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, mặc dù kinh tế có sự chuyển biến tích cực, song tổng cầu chậm cải thiện. Theo đó, tiêu dùng chậm cải thiện, bằng chứng là doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đây (quý I/2012 tăng 5% và quý I/2013 tăng 4,5%). Bên cạnh đó, trong khi đầu tư tư nhân chưa cải thiện nhiều do tín dụng tính đến 13/3 vẫn âm, thì chi cho đầu tư phát triển quý I giảm 4,9% so với cùng kỳ.

“Tốc độ tăng trưởng vì vậy vẫn ở mức thấp so với tiềm năng của nền kinh tế”, một lãnh đạo Ủy ban này cho biết.

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 4/2014 đã nhận định, với niềm tin của người tiêu dùng thấp và tăng trưởng tín dụng âm, giá cả ở Việt Nam cũng đang hạ nhiệt với mức giá của các loại hàng hoá cơ bản đang giảm mạnh. Giá nhà cũng vẫn giảm trong hai tháng vừa qua. Nhu cầu đối với quần áo và thức uống cũng giảm. Trong khi mức tăng chỉ số CPI trung bình so sánh theo tháng của Việt Nam khoảng 0,9% trong vòng 8 năm qua, chỉ số này đã tăng chậm lại còn 0,5% trong vòng 2 năm qua.

Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế của HSBC nhấn mạnh: “Các hoạt động trong nước ngược lại sẽ vẫn giảm sút trừ khi các cơ quan Nhà nước thực hiện các biện pháp cải cách để giải quyết vấn đề nợ xấu và cải thiện điều hành. Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có bất kỳ cải cách quan trọng nào trong năm tới khi Việt Nam vẫn còn cố gắng dần thoát khỏi những vấn đề của mình một cách chậm chạp, hơn là đương đầu với khó khăn để giải quyết”.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục