Thế nhưng, dù lãi suất ưu đãi, song cơ chế vận hành lại theo phương thức tín dụng thương mại, khiến dòng vốn chảy vào tam nông có nguy cơ tiếp tục bị kẹt.
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo với lãi suất cho vay mua gạo tạm trữ chỉ 7%/năm, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian thu mua tạm trữ lên đến 6 tháng (trước đây là 4 tháng), giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đã tăng trở lại sau nhiều ngày rớt thảm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến cá tra, tôm…, lãi suất cho vay giảm còn 8%/năm cũng tạo tâm lý phấn khởi, khuyến khích người dân, doanh nghiệp yên tâm vay vốn đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô.
Thế nhưng, niềm vui vẫn chưa trọn. Phản ánh của nhiều người dân, doanh nghiệp cho thấy, tuy lãi suất cho vay rẻ, nhưng các ngân hàng vẫn yêu cầu người vay trong lĩnh vực nông nghiệp phải tuân thủ đầy đủ điều kiện của vay thương mại, đặc biệt là tài sản thế chấp. Đây là yêu cầu khó trong bối cảnh hiện nay, khiến tình cảnh “mỡ treo, mèo nhịn” vẫn tiếp diễn.
Một vấn đề nữa khiến lãi suất hạ, nhưng nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp chưa thể vui mừng là các ngân hàng cho vay nông nghiệp thường chỉ cho vay nhỏ giọt, thời hạn vay ngắn, trong khi sản xuất nông nghiệp đòi hỏi thời gian thu hồi vốn dài. Thực tế này đang ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư và khả năng trả nợ của người vay.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cho hay, họ chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi trong 6-9 tháng, sau đó, lãi suất cho vay được điều chỉnh lên 10%/năm, cao hơn nhiều so với khả năng sinh lãi của doanh nghiệp (chỉ 6-7%/năm) và gấp 3 so với lãi suất cho vay của nhiều nước trong khu vực. Đây là lý do khiến sản phẩm nông nghiệp trong nước không chỉ khó cạnh tranh trên trường quốc tế, mà còn chật vật ngay chính tại sân nhà.
Đó cũng là lý do để mới đây, ngay khi trần lãi suất chưa giảm, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển đối với ngành nông nghiệp xuống còn 5-6%/năm.
Dù lãi suất cho vay tam nông giảm chưa như kỳ vọng, song với khu vực mà lâu nay nhiều nguời đang phải vay tín dụng đen thì đây là lãi suất đáng mơ ước. Song song với việc giảm lãi suất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói tín dụng “khủng” cho tam nông.
Tuy nhiên, để chủ trương này mang lại hiệu quả thiết thực, thì cần có những cơ chế cho vay mới để dòng vốn có thể lưu thông. Nếu không, gói tín dụng tam nông sẽ có nguy cơ “chết yểu” như gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng.
Ngoài cơ chế vay mới, ngành nông nghiệp cần khẩn trương đưa ra những mô hình sản xuất theo chuỗi để nâng cao hiệu quả đầu tư, giúp ngân hàng yên tâm rót vốn. Không thể “ép” ngân hàng cho vay nếu người dân và doanh nghiệp vẫn giữ lối sản xuất manh mún, thủ công như hiện nay. Khi những mô hình mới đã được triển khai, liên bộ cần thành lập một bộ phận theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng cho vay, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nảy sinh.
Trong bối cảnh tổng cầu trong nước vẫn yếu như hiện nay, động lực tăng trưởng đang phụ thuộc vào xuất khẩu, nếu hành động không nhanh, thì không những ngành nông nghiệp, mà cả nền kinh tế sẽ mất cơ hội tận dụng lượng vốn đang dư thừa để tái cơ cấu.