Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng cho rằng, chính sách điều hành của NHNN những năm gần đây khá linh hoạt và sẽ không để cho tiền đồng mất giá quá sâu so với USD. Dự báo trong 1 năm tới, mức độ dao động khoảng 2 - 3% và tỷ giá sẽ ở quanh mốc 23.000 đồng/USD.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, nếu tiền đồng mất giá sẽ có tác động đến TTCK, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ tùy vào cách điều hành của cơ quan quản lý. Trong trường hợp VND bị mất giá mạnh, nhanh trong thời gian ngắn, tương tự như việc tỷ giá bị điều chỉnh liên tục khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, thì tác động sẽ tiêu cực. Còn nếu tỷ giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp, mức độ tác động tiêu cực sẽ không nhiều, thậm chí có thể mang lại tác động tích cực nếu lộ trình được đưa ra rõ ràng từ đầu năm.
Lo ngại về việc VND sẽ bị điều chỉnh trong thời gian tới không phải là không có cơ sở khi mà trước đó, NHNN đã không giữ được cam kết tỷ giá đưa ra từ đầu năm, nhất là trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và Trung Quốc phá giá đồng nội tệ mạnh nhất trong 2 thập niên vừa qua.
Trước đó, với 3 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng (ngày 7/1, ngày 7/5 và 19/8), mỗi lần 1%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng từ 21.246 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD. Theo dự báo của Ngân hàng ANZ, tỷ giá VND/USD quý IV/2015 ở mức 22.750 đồng sẽ tăng lên 23.900 đồng vào cuối năm 2016.
Trước dự báo của ANZ, VietinBankSc nhận định, tỷ giá VND/USD năm 2016 sẽ điều chỉnh trong khoảng 3 - 4% và NHNN sẽ phải cân đối giữa điều hành tỷ giá để làm sao vừa đảm bảo chỉ tiêu dự trữ ngoại hối lớn hơn 12 tuần nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt Nam xuất khẩu, vừa neo tỷ giá để có lợi cho trả nợ.
“Nếu kịch bản này xảy ra, ảnh hưởng đến TTCK là có nhưng không đáng ngại” đại diện VietinBankSc nói.
Cũng theo ANZ, nhìn toàn bộ bức tranh cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, cán cân thương mại cũng như cán cân vãng lai đều thâm hụt. ANZ dự báo, trong 2 năm tới 2016 - 2017, cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ bị thâm hụt lớn. Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục giữ tỷ giá ổn định, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, do đó nên điều chỉnh lại một số chỉ tiêu và cơ quan chức năng nên cho phép phá giá đồng tiền Việt Nam.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime (MSI) cho rằng, từ trước đến nay, trong số các chỉ tiêu về vĩ mô thì mục tiêu kiềm chế lạm vẫn được coi là định hướng quan trọng nhất. Tuy nhiên, câu chuyện lạm phát ở mức nào mới là điều cần quan tâm. 10 tháng đầu năm 2015, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng như của một số tổ chức uy tín, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp (khoảng dưới 2%). Cho dù NHNH có điều chỉnh tiếp tỷ giá hoặc phá giá đồng VND thì lạm phát 2016 cũng sẽ chỉ dao động ở mức 3 - 4% và điều này vẫn ở mức thấp và sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế cũng như dòng tiền tham gia vào TTCK.
“Kể cả khi Fed quyết định nâng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016 thì điều đó cũng không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam, ngoại trừ tác động đến tâm lý nhà đầu tư cũng như áp lực điều chỉnh tỷ giá”, ông Khánh nói.