Tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đạt 6,5% tính từ đầu năm, cao hơn dự kiến, khiến ANZ nâng dự báo lên 6,8% cho năm 2015 và 6,9% cho năm 2016.
Cũng theo ANZ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn mạnh, sẽ làm tăng năng suất trong dài hạn. Tính đến tháng 9/2015, FDI mới đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD, trong đó 53% là đầu tư vào khu vực chế tác. FDI giải ngân đạt 9,5 tỷ USD, tăng 13,5% kể từ đầu năm.
Mặc dù vốn FDI đăng ký mới có khả năng sẽ giảm trong trung hạn, song luồng vốn đầu tư tiếp tục đổ vào khu vực sản xuất sẽ thúc đẩy năng suất trong nước trong dài hạn.
Trước quyết định của Chính phủ Việt Nam thoái vốn khỏi những doanh nghiệp hàng đầu, ông Glenn Maguire, Kinh tế trưởng của ANZ khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhận định, khi muốn chuyển lên nấc tăng trưởng cao hơn thì phải tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, trong môi trường kinh tế năng động, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất quan tâm đến việc Việt Nam đang hội nhập với các chuỗi kinh tế lớn trên toàn cầu như thế nào?
“Tư nhân hóa luôn là chủ đề thú vị đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Glenn nói và chỉ ra khi Chính phủ thoái vốn, công cuộc cải cách diễn ra suôn sẻ và tốt, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang đến Việt Nam kỹ năng, công nghệ, nâng cao năng suất lao động… Tuy nhiên, nếu làm không tốt, thì Việt Nam cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lấy lượng cổ phần lớn của doanh nghiệp nhà nước và tranh thủ tận dụng lợi thế lao động giá trẻ rồi chuyển lợi nhuận về nước…
“Nếu nhìn lại lịch sử, nhiều nền kinh tế đã cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng bước đầu thận trọng chỉ cổ phần hóa 49%, sau đó sẽ giám sát chặt chẽ, đảm bảo đầu tư của doanh nghiệp nhà nước phải phát triển lành mạnh. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cuối cùng phải mang lại lợi ích cho nền kinh tế, nên mọi việc cần phải có bước đi từ từ chứ không làm ngay, đặc biệt, nếu cổ phần hóa ngay các ngân hàng lớn, thì tác động mang lại rất tiêu cực”, ông Glenn nhấn mạnh.
"Khi muốn chuyển lên nấc tăng trưởng cao hơn thì phải tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước "
Liên quan đến chính sách tỷ giá, Báo cáo của ANZ cho rằng, nếu việc phá giá tiền đồng bị giới hạn ở mức 2%/năm tại thời điểm cán cân vãng lai thâm hụt, thì rủi ro khô kiệt dự trữ ngoại hối chính thức sẽ quay trở lại. Khả năng dự trữ ngoại hối không đạt chỉ tiêu 12 tuần xuất khẩu.
“Trong 12 tháng tới, Việt Nam có thể phá (tỷ) giá thêm 2 lần nữa, thời điểm tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước và đồng tiền Việt Nam có thể mất giá thêm 5-7%”, ông Glenn nhấn mạnh.
ANZ cũng đưa ra dự báo, lạm phát Việt Nam ở mức trung bình 1,0% trong năm 2015 và 2,8% trong năm 2016, mặc dù nhận thấy có rủi ro thấp hơn do triển vọng giá dầu tiếp tục thấp.
Lãi suất chính sách có khả năng sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản, sau đó dừng lại trong một thời gian dài...