Chứng khoán trở lại cân bằng, giá dầu thô lao dốc

(ĐTCK) Sau 2 phiên lao dốc do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, giới đầu tư đã lấy lại sự cân bằng trong phiên thứ Ba, nhưng giá dầu thô lao dốc do lo ngại thừa cung.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó, phố Wall đã hồi phục khi mở cửa phiên giao dịch thứ Ba. Đà tăng lúc đầu khá tốt, nhưng sau đó đã quay đầu điều chỉnh do lo ngại về việc Chính phủ đóng cửa và thận trọng trước khi cuộc họp kéo dài 2 ngày của Fed. Tuy nhiên, 3 chỉ số chính của phố Wall may mắn trở lại sắc xanh khi chốt phiên, nhưng đà tăng rất khiêm tốn.

Kết thúc phiên 18/12, chỉ số Dow Jones tăng 82,66 điểm (+0,35%), lên 23.675,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,22 điểm (+0,01%), lên 2.546,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 30,18 điểm (+0,45%), lên 6.783,91 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp trong phiên thứ Ba do nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là các dữ liệu kinh tế tại châu Âu kém tích cực được đưa ra trước đó. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục giảm mạnh theo giá dầu cũng ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 18/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 71,65 điểm (-1,06%), xuống 6.701,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 31,31 điểm (-0,29%), xuống 10.740,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 45,78 điểm (-0,95%), xuống 4.754,08 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trở lại khi nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ. Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm do nhà đầu tư thất vọng khi Chủ tịch Tập Cận Bình không đưa ra giải pháp hỗ trợ nền kinh tế cụ thể nào trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm đổi mới, kéo chứng khoán Hồng Kông giảm theo.

Kết thúc phiên 18/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 391,43 điểm (-1,82%), xuống 21.115,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,32 điểm (-0,82%), xuống 2.576,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 273,73 điểm (-1,05%), xuống 25.814,25 điểm.

Đồng USD giảm trước cuộc họp kéo dài 2 ngày bắt đầu tư thứ Ba của Fed tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng đi lên, nhưng đà tăng không còn mạnh như phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 18/12, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD (+0,31%), lên 1.249,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2019 tăng 1,8 USD/ounce (+0,14%), lên 1.253,6 USD/ounce.

Trong khi đó, lo ngại về sản lượng kỷ lục cua Mỹ, Nga, trong khi kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến nhu cầu khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba. Một yếu tố nữa khiến giá dầu thô lao dốc là dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ tăng trong tuần trước.

Kết thúc phiên 18/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 3,68 USD (-7,38%), xuống 46,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,66 USD (-6,13%), xuống 56,00 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục