Giới đầu tư bất an

(ĐTCK) Lo lắng về tăng trưởng kinh tế khiến giới đầu tư đồng loạt bán ra trong phiên thứ Sáu (14/12), đẩy các chỉ số chính trên toàn cầu chìm trong sắc đỏ.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tháng 11 tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 2003 và sản lượng công nghiệp tăng ít nhất trong gần ba năm do nhu cầu trong nước tiếp tục yếu đi.

Theo người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này vẫn đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 khoảng 6,5%, nhưng nền kinh tế phải đối mặt với nhiều bất ổn bên ngoài vào năm tới.

Trong khi đó, tại châu Âu, một cuộc khảo sát cho thấy, hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng Euro có tốc độ chậm nhất trong 4 năm do tốc độ tăng trưởng đơn hàng mới bị cạn kiệt, bị tổn thương bởi căng thẳng thương mại và các cuộc biểu tình bạo lực ở Pháp.

Một cuộc khảo sát riêng cho thấy, hoạt động kinh doanh của Pháp bất ngờ giảm mạnh trong tháng 12, sau khi đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn 4 năm tháng trước do các cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Trong khi đó, sự mở rộng khu vực tư nhân của Đức đã giảm xuống mức thấp trong 4 năm, cho thấy sự tăng trưởng trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sẽ yếu trong quý cuối cùng.

Hôm thứ Năm (13/12), Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Những dữ liệu kinh tế kém khả quan của châu Âu và Trung Quốc, cùng đà lao dốc của cổ phiếu Johnson & Johnson giảm 10,04%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2002, khiến phố Wall lao dốc trong phiên cuối tuần.

Trong khi đó, mặc dù dữ liệu toàn cầu yếu, dữ liệu của Mỹ vẫn ổn định và đồng USD mạnh lên, khi chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh vào tháng 11, trong khi sản xuất công nghiệp tăng trở lại và củng cố thêm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 18-19 tháng 12.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Dow Jones giảm 496,87 điểm (-2,02%), xuống 24.100,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,59 điểm (-1,91%), xuống 2.599,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 159,67 điểm (-2,26%), xuống 6.910,66 điểm.

Sau tuần giảm mạnh nhất  kể từ tháng 3/2018 trước đó, phố Wall tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 1,18%, S&P 500 giảm 1,26% và Nasdaq giảm 0,84%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Sáu và có phiên giảm thứ 2 liên tiếp do dữ liệu kinh tế kém khả quan của châu Âu và Trung Quốc, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.

Ngoài ra, giới đầu tư càng thêm có lý do lo lắng khi trong mộ hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nói với Thủ tướng Anh Thesera May rằng, họ sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,33 điểm (-0,47%), xuống 6.845,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 58,93 điểm (-0,54%), xuống 10.865,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 43,21 điểm (-0,88%), xuống 4.853,70 điểm.

Dù giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn có tuần hồi phục khá sau tuần giảm mạnh nhất 2 tháng trước đó. Cụ thể, trong tuần chỉ số FTSE 100 tăng 0,99%, chỉ số DAX tăng 0,72% và CAC 40 tăng 0,84%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc cũng khiến chứng khoán khu vực lao dốc trong phiên cuối tuần, trong đó chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất khi mất hơn 2%.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 441,36 điểm (-2,02%), lxuống 21.374,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 40,31 điểm (-1,53%), xuống 2.593,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 429,56 điểm (-1,62%), xuống 26.094,79 điểm.

Với những phiên giảm mạnh liên tiếp cuối tuần, chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1,4%, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại may mắn có sắc xanh nhạt khi hồi phục nhẹ 0,12%, còn chứng khoán Trung Quốc lại đảo chiều giảm 0,47%.

Dù chứng khoán bị bán mạnh, nhưng giá vàng không thể đi lên mà tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày thứ Sáu do đồng USD tăng.

Kết thúc phiên 14/12, giá vàng giao ngay giảm 3,6 USD (-0,29%), xuống 1.238,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,6 USD/ounce (-0,37%), xuống 1.238,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2019 giảm 5,1 USD/ounce (-0,41%), xuống 1.238,2 USD/ounce.

Sau tuần tăng tốt trước đó, trong tuần qua, giá vàng giao ngay quay đầu giảm 0,78% và giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,90%, giá vàng giao tháng 2/2019 giảm 1,26%.

Với triển vọng cao Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tuần, giới phân tích có cái nhìn thận trọng hơn với xu hướng của giá vàng, trong khi giới đầu tư vẫn duy trì cái nhìn tích cực. Cụ thể, theo khảo sát, trong 18 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 7 người, chiếm 39% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn con số 57% trong tuần trước, cũng có 7 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 39%, cao hơn con số 21% của tuần trước đó và 4 người dự báo giá vàng sẽ ngang, chiếm 22%.

Trong khi đó, trong 507 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 291 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn so với con số 64% của tuần trước; 115 lượt, chiếm 23% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn chút ít con số 24% của tuần trước và 101 lượt người, chiếm 20% dự báo giá vàng đi ngang.

Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến giá dầu thô nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh trở lại, trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 14/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,38 USD (-2,70%), lên 51,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,17 USD (-1,94%), xuống 60,28 USD/thùng.

Dù có những phiên tăng giảm đan xen trong tuần, nhưng chốt tuần, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng tuần thứ 2 liên tiếp với giá dầu thô Mỹ tăng 0,53% và giá dầu thô Brent tăng 2,67%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục