Nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc mất 2.000 tỷ USD năm 2018

(ĐTCK) Các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đã trải qua một năm 2018 với dồn dập các sự kiện mang lại tác động tiêu cực tới thị trường.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đón nhận nhiều cơn gió nghịch chiều, từ scandal vaccine giả chấn động toàn quốc, tác động xấu tới tâm lý tiêu dùng, chính quyền Mỹ thắt chặt kiểm soát với công ty công nghệ Đại lục cho tới việc giới chức Bắc Kinh thiết lập quy định mới về giáo dục, trò chơi điện tử, dược phẩm. Tất cả các yếu tố này khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi hơn 2.000 tỷ USD giá trị thị trường trong năm 2018.

Chưa kể, thị trường bước vào giai đoạn giá xuống, với 10 nhóm cổ phiếu các ngành công nghiệp thuộc chỉ số CSI 300 đều giảm giá hơn 10% kể từ đầu năm tới nay. Trong bối cảnh này, giới đầu tư cả trong và ngoài nước nhanh chóng tháo chạy, tạo ra các đợt bán tháo lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Theo các chuyên gia, giới đầu tư tại Đại lục không có nơi nào để nương náu tại một thị trường vốn đang chịu áp lực từ việc nền kinh tế giảm tốc, tỷ lệ phá sản của doanh nghiệp ở mức cao ngất ngưởng và mối quan hệ giữa Trung Quốc với nền kinh tế lớn nhất thế giới ở thời điểm tồi tệ nhất.

Giá cổ phiếu của mọi nhóm ngành công nghiệp trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đều xuống dốc.

 Giá cổ phiếu của mọi nhóm ngành công nghiệp trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đều xuống dốc.

Công nghệ

Không lĩnh vực nào trên thị trường chứng khoán phải chịu nỗi đau chiến tranh thương mại rõ ràng hơn lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Những tác động tiêu cực từ xung đột Mỹ - Trung ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng nguyên phụ kiện và cả tiềm năng tăng trưởng của các công ty như GoerTek Inc, “tay chơi” có tiếng trong lĩnh vực sản xuất đồ công nghệ.

Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm 59% trong năm nay và GoerTek Inc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc để có thể phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các lệnh cấm vận và hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt là đồ công nghệ với lý do an ninh quốc gia, đã tạo áp lực lớn lên cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. 

Tiêu dùng

Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc không chịu nhiều tác động từ cuộc chiến tranh thương mại, nhưng lại thiệt hại nặng nề bởi các chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay ngang hàng của giới chức Bắc Kinh. Trước đây, cho vay ngang hàng là hoạt động phổ biến và nở rộ, mang lại nguồn tài chính cho nhiều bộ phận người dân. Với các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt, tâm lý tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Chưa kể, tính chất cạnh tranh tại thị trường tiêu dùng Đại lục ngày càng lên cao, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo đó, chỉ số đo lường giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Đại lục đã giảm 34% kể từ mức cao nhất đạt được vào tháng 1/2018 cho tới nay. 

Dược phẩm

Cổ phiếu nhóm dược phẩm luôn là con cưng của giới đầu tư và gần như miễn nhiễm trước các tác động từ cuộc chiến tranh thương mại. Với dân số khổng lồ, tình trạng già hóa, nhu cầu tiêu thụ dược phẩm, thực phẩm chức năng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là mảnh đất màu mỡ cho các công ty dược phẩm phát triển. Mọi chuyện vẫn rất tốt đẹp đối với cổ phiếu nhóm này cho tới tháng 6/2018, khi scandal vaccine giả bùng phát, làm toàn bộ dân chúng giận dữ và nhanh chóng tạo tác động xấu tới nhóm cổ phiếu này. 

Viễn thông

Một trong những nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh thương mại là nhóm viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phần cứng. Các vụ việc ZTE Corp và Huawei Technologies Co bị cáo buộc xâm phạm lệnh cấm vận của Mỹ lên Iran đã tác động lớn tới hoạt động, cũng như cổ phiếu của các công ty này trên thị trường chứng khoán.

Lam Phong - Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục