Dù nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, sẽ không tăng lãi suất từ mức gần như bằng 0 hiện nay cho tới nửa cuối của năm 2015.
Những thông tin trên tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, giúp Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, khi chạm các ngưỡng kháng cự mạnh, lực bán kỹ thuật đã đẩy các chỉ số này trở lại, đặc biệt là Dow Jones lại thất bại khi cố chinh phục mốc 17.000 điểm. Trong 3 chỉ số chính của Phố Wall, Nasdaq đã quay đầu giảm điểm, trong khi S&P 500 và Dow Jones chỉ còn duy trì mức tăng khiêm tốn, nhưng chừng đó cũng đủ để cả 2 lập lên đỉnh cao lịch sử mới và là lần thứ 24 trong năm 2014, S&P 500 lập mức cao nhất mọi thời đại.
Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones tăng 20,17 điểm (+0,12%), lên 16.976,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,30 điểm (+0,07%), lên 1.974,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,92 điểm (-0,02%), xuống 4.457,73 điểm.
Cũng giống Phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng tăng giảm đan xen. Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để biết thông tin chính thức các dữ liệu kinh tế của khu vực đồng tiền chung, cũng như những chính sách của ECB. Tuy nhiên, chứng khoán Pháp đã quay đầu giảm, làm lây lan sang các thị trường khác khi thương vụ sáp nhập giữa các công ty viễn thông thất bại.
Kết thúc phiên 2/7, chỉ số FTSE tại Anh tăng 13,45 điểm (+0,20%), lên 6.816,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 8,86 điểm (+0,09%), lên 9.911,27 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 16,40 điểm (-0,37%), xuống 4.444,72 điểm.
Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch tích cực nhờ ảnh hưởng từ thị trường Âu, Mỹ phiên trước đó. Ngoài ra, các dữ liệu PMI của Nhật Bản, Trung Quốc vừa được công bố đều khá tích cực, nên hỗ trợ cho chứng khoán tiếp tục tăng điểm. Tuy nhiên, thị trường cũng chịu tác động với dữ liệu giá bất động sản tại các thành phố lớn của Trung Quốc giảm 29% trong quý II. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản dù hạ nhiệt bớt, nhưng vẫn leo lên mức cao mới trong 5 năm, trong khi chứng khoán Hồng Kông tăng vọt khi trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ.
Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 43,77 điểm (+0,29%), lên 15.369,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 358,90 điểm (+1,55%), lên 23.549,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 9,04 điểm (+0,44%), lên 2.059,42 điểm.
Dữ liệu kinh tế khả quan, cùng thông tin về việc FED sẽ không sớm tăng lãi suất hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Trong phiên thứ Tư, giá kim loại quý này dù xu hướng chính là đi ngang như 3 phiên giao dịch gần đây, nhưng đóng cửa đã có mức tăng nhẹ, bất chấp việc đồng USD tăng giá.
Kết thúc phiên 2/7, giá vàng giao ngay tăng 1,1 USD (+0,08%), lên 1.327,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 4,3 USD (+0,32%), lên 1.330,9 USD/ounce.
Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thô giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 3 tuần trong phiên thứ Tư khi triển vọng xuất khẩu lại của Lybia sáng sủa hơn sau tuyên bố của quân nổi dậy.
Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,86 USD (-0,82%), xuống 104,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,05 USD (-0,94%), xuống 111,24 USD/thùng.