Phố Wall đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần nhờ cổ phiếu công nghệ. Dù vậy, Dow Jones và S&P 500 đều có mức giảm nhẹ trở lại trong tuần, trong khi Nasdaq lại tiếp tục tăng điểm trong tuần.
Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Dow Jones tăng 5,71 điểm (+0,03%), lên 16.861,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,74 điểm (+0,19%), lên 1.960,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,88 điểm (+0,43%), lên 4.397,93 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,6%, chỉ số S&P 500 giảm 0,1%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 0,7%.
Tính từ đầu năm tới nay, S&P 500 đã có 22 lần thiết lập đỉnh cao lịch sử, trong khi chỉ số VIX, chỉ số đo lường sự sợ hãi của Phố Wall đang dao động ở mức 11, bằng một nửa so với mức trung bình dài hạn 20. Theo giới phân tích, Phố Wall sẽ lình xình cho đến khi chỉ số VIX tăng lên mức cao hơn nữa, khi đó sẽ xuất hiện một số yếu tố hỗ trợ, nhưng không ai muốn chỉ số này lại tăng lên mức 89,53 ngày 24/10/2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Phố Wall tuần sau sẽ có ngày nghỉ lễ độc lập vào thứ Sáu, vì vậy các dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố vào ngày thứ Năm (3/7) như bảng lương phi nông nghiệp, chỉ số ngành dịch vụ của Viện quản lý nguồn cung, thâm hụt cán cân thương mại tháng 6. Thứ Tư, Chủ tịch FED Janet Yellen sẽ có bài phát biểu về chính sách tiền tệ tại một hội nghị của IMF.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên hồi nhẹ cuối tuần, nhưng cũng không tránh khỏi tuần giảm đầu tiên sau 10 tuần kể từ tháng Tư, thời điểm bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine.
Kết thúc phiên 27/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 22,65 điểm (+0,34%), lên 6.757,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,27 điểm (+0,10%), lên 9.815,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 2,64 điểm (-0,06%), xuống 4.436,99 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE giảm 0,99%, chỉ số DAX giảm 1,72% và chỉ số CAC giảm 2,3%. Dù chấm dứt chuỗi tăng ấn tượng nhất kể từ giữa năm 2012, nhưng giới đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào chứng khoán châu Âu vào nửa cuối năm nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ngoài ra, theo Thomson Reuters, lợi nhuận cho các công ty châu Âu dự kiến sẽ tăng 7,5% trong năm 2014.
Dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố trước đó khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất 1 tuần rưỡi trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 213,49 điểm (-1,39%), xuống 15.095,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 23,69 điểm (+0,10%), lên 23.221,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 2,17 điểm (-0,11%), xuống 2.036,51 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei giảm 1,66%, chỉ số Hang Seng tăng 0,12% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,49%.
Dù lình xình trong những phiên cuối tuần và giảm nhẹ vào phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Kết thúc phiên 27/6, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,14%), xuống 1.315,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 3 USD (+0,23%), lên 1.320,0 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,03%, giá vàng giao tháng 8 tăng 0,25%.
Giá dầu có tuần giảm mạnh nhất 1 tháng kể từ khi cuộc khủng hoảng Iraq nổ ra, khi các phiến quân nổi dậy phía Nam đã chiếm gần như các thành phố trọng yếu, nơi tập trung chính các nhà máy lọc dầu của Iraq, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trong OPEC.
Kết thúc phiên 27/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,10 USD (-0,09%), xuống 105,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,08%), lên 113,30 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,42%, giá dầu thô Brent giảm 1,32%.