Dù nhận tin kinh tế không khả quan, nhưng Phố Wall vẫn có phiên hồi phục bất ngờ sau 2 phiên giảm liên tiếp đầu tuần nhờ nhóm cổ phiếu dược phẩm. Cổ phiếu dược tăng mạnh sau khi các hãng dược cho biết, cuộc thử nghiệm thuộc trị ung thư đang ở giai đoạn cuối. Nếu cuộc thử nghiệm này thành công sẽ đem đến cơ hội sống của nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới, nhưng nó cũng đem đến lợi nhuận khổng lô cho các hãng dược.
Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ bởi phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ tuyên Aereo Inc, hãng dịch vụ truyền hình trực tuyến của ông trùm truyền thông Barry Diller vi phạm luật bản quyền bằng cách sử dụng ăng-ten nhỏ để cung cấp dịch vụ truyền hình tới các thuê bao thông qua Internet. Chiến thắng thuộc về liên minh 4 đài truyền hình của Mỹ giúp cổ phiếu của các hãng truyền hình trả tiền tăng mạnh, cùng với cổ phiếu dược hỗ trợ thị trường tăng điểm.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Dow Jones tăng 49,38 điểm (+0,29%), lên 16.867,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,55 điểm (+0,49%), lên 1.959,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,40 điểm (+0,68%), lên 4.379,76 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu, đặc biệt là chứng khoán Pháp có phiên giảm mạnh vào ngày thứ Tư do giới đầu tư lo ngại về cuộc xung đột ở Iraq.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 53,45 điểm (-0,79%), xuống 6.733,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 70,33 điểm (-0,71%), xuống 9.867,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 57,74 điểm (-1,28%), xuống 4.460,60 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có phiên giảm điểm do ảnh hưởng của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên đêm trước đó, cũng như lực chốt lời sau khi có chuỗi tăng mạnh vừa qua.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 109,63 điểm (-0,71%), xuống 15.266,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 13,94 điểm (-0,06%), xuống 22.866,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 8,43 điểm (-0,41%), xuống 2.025,50 điểm.
Giá vàng tiếp tục đi ngang và kết thúc ở mức gần như không đổi trong phiên thứ Tư. Giá vàng chịu áp từ lực bán kỹ thuật. Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã bật trở lại và thoát khỏi mức thấp nhất trong ngày khi dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ mới được công bố.
Kết thúc phiên 25/6, giá vàng giao ngay giảm 0,6 USD (-0,05%), xuống 1.318,40 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,3 USD (+0,10%), lên 1.322,6 USD/ounce.
Theo ước tính của Ngân hàng HSBC, các Ngân hàng Trung ương toàn cầu đã tích lũy được 180,1 tấn vàng trong 5 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, các dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, các Ngân hàng Trung ương mua thêm 13,7 tấn vàng trong tháng 5. Những người mua hàng đầu bao gồm Nga với 9,5 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ 6 tấn và Kazakhstan với 2,7 tấn. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương của Ukraine, Đức và Slovak lại bán bớt vàng ra.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Mỹ được hỗ trợ bởi thông tin Chính phủ Mỹ cho phép 2 công ty xuất khẩu sản phẩm dầu thô nhẹ, đã qua sơ chế, dấu hiệu cho thấy Mỹ đang dần nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô tồn tại 40 năm qua.
Kết thúc phiên 25/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,47 USD (+0,44%), lên 106,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,46 USD (-0,40%), xuống 114,00 USD/thùng.