Quan chức FED lại khiến nhà đầu tư lo sợ

(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên thứ Năm sau phát biểu của một quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Ảnh minh họa: Reuters Ảnh minh họa: Reuters

Ông James Bullard, Chủ tịch FED St Louis trong một cuộc phỏng vấn với tờ Fox Business Network cho biết, ông tin rằng, lãi suất sẽ tăng trong quý I/2015.

Cũng theo Bullard - thành viên không bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của FED - tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 6% và lạm phát có khả năng tăng trở lại 2% vào cuối năm nay, đưa nền kinh tế về trạng thái bình thường và đúng mục tiêu mà FED đặt ra.

Trước đó, trong cuộc họp tháng 6, FED cũng đã bóng gió về việc sớm tăng lãi suất trong năm tới, nhưng vẫn duy trì ở mức lãi suất thấp trong thời gian dài nữa.

Với phát biểu trên của một quan chức FED, thị trường đã bị tác động, Phố Wall nhanh chóng đảo chiều sau phiên tăng điểm ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones giảm 21,38 điểm (-0,13%), xuống 16.846,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,31 điểm (-0,12%), xuống 1.957,22 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,71 điểm (-0,02%), xuống 4.379,05 điểm.

Thêm các dữ liệu khác cũng ảnh hưởng đến thị trường là chi tiêu tiêu dùng tăng thấp hơn dự kiến ​​trong tháng 5. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dự tính tăng trưởng trong quý II của kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm 2.000 xuống mức một điều chỉnh theo mùa 312.000 trong tuần kết thúc ngày 21/6.

Phát biểu của James Bullard cũng tác động đến chứng khoán châu Âu, khiến chứng khoán khu vực này tiếp tục có phiên giảm điểm.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 1,5 điểm (+0,02%), lên 6.735,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 62,85 điểm (-0,64%), xuống 9.804,90 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 20,97 điểm (-0,47%), xuống 4.439,63 điểm.

Chứng khoán châu Á phục hổi trở lại trong phiên thứ Năm sau khi dữ liệu GDP của Mỹ được  công bố kém khả quan, củng cố niềm tin rằng FED sẽ không tăng lãi suất trong năm 2015.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 41,88 điểm (+0,27%), lên 15.308,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 331,13 điểm (+1,45%), lên 23.197,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 13,18 điểm (+0,65%), lên 2.038,68 điểm.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch thứ Năm do áp lực chốt lời kỹ thuật. Các thông tin kinh tế vừa công bố không có nhiều thông tin tác động đến giá vàng.

Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay giảm 1,5 USD (-0,11%), xuống 1.316,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 5,6 USD (-0,42%), xuống 1.317,0 USD/ounce.

Giá dầu cũng chịu áp lực chốt lời sau chuỗi tăng liên tiếp do tác động từ cuộc xung đột Iraq. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ không mấy khả quan cũng gây sức ép lên giá vàng.

Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,66 USD (-0,62%), xuống 105,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD (-0,70%), xuống 113,21 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục