Chỉ số MSCI All-Country World Index kết thúc quý giảm thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm theo quý dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mức giảm 7% của MSCI All-Country World Index trong quý III diễn ra khi các nhà đầu tư phải vật lộn với lạm phát cao liên tục, đồng đô la tăng vọt và lãi suất cao ngất ngưởng trên khắp thế giới có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà phân tích đã cắt giảm ước tính lợi nhuận và một loạt công ty Mỹ và châu Âu - bao gồm cả tập đoàn xe hơi khổng lồ Ford - đã đưa ra cảnh báo sớm về kết quả kinh doanh quý III.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, điều này có thể tạo ra cho các công ty một mức nền thấp để thúc đẩy sự phục hồi, sự hỗ trợ rất cần thiết đối với các cổ phiếu hiện đang ở mức thấp kể từ thời điểm đại dịch xuất hiện.
Ron Saba, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Horizon Investments LLC cho biết: “Các nhà đầu tư phải tự hỏi bản thân rằng tin xấu đã được định giá ở mức nào. Với sự bi quan cực độ kết hợp với mức định giá hợp lý, quý IV có thể mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội gỡ lại phần nào khoản lỗ của họ”.
Dựa vào diễn biến lịch sử để dự báo là không hoàn hảo, nhưng hiệu suất cổ phiếu trong quá khứ là dấu hiệu tốt cho quý này. S&P 500 đã tăng trung bình 4,1% trong quý IV trong suốt 20 năm qua, trong khi MSCI đã công bố mức giảm trong quý IV chỉ diễn ra ba lần trong khoảng thời gian đó.
Chỉ số MSCI All Country World Index và EPS kỳ vọng của chỉ số |
Điều đó không có nghĩa là các công ty sẽ vượt qua quý IV với các báo cáo rực rỡ. Vẫn còn rất nhiều thách thức có thể biến năm 2022 là một năm đáng quên đối với nhà đầu tư.
Thời đại chi phí cao hơn đang gây khó khăn cho việc bảo vệ lợi nhuận. Các công ty cũng phải đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và các ngân hàng trung ương khác, khi các ngân hàng trung ương tập trung vào việc kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, còn có chiến sự ở Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu và chính sách zero Covid của Trung Quốc, gây thiệt hại về mặt kinh tế.
Các công ty Mỹ có phạm vi hoạt động quốc tế lớn đang gặp rủi ro từ đồng đô la mạnh hơn, như được nhấn mạnh bởi ước tính lợi nhuận đáng thất vọng của Nike vừa được công bố.
Mặt khác, các nhà nhập khẩu châu Âu và Anh đang đối phó với các loại tiền tệ yếu hơn nhiều. Tập đoàn Associated British Foods Plc của Anh và nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz AB đều đổ lỗi cho đồng bạc xanh vì triển vọng lợi nhuận giảm sút.
Với các ước tính bi quan của các nhà phân tích gần đây, cũng như phản ứng của thị trường đối với những doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận sớm, điều này cho thấy “một số thất vọng đã được mong đợi và thậm chí có thể được định giá ở một mức độ nào đó,” Esty Dwek, Giám đốc đầu tư tại Flowbank SA cho biết.
Một chỉ số của Citigroup cho thấy mức giảm trong EPS của các công ty Mỹ đã liên tục được điều chỉnh tăng kể từ đầu tháng 6, trong khi EPS kỳ vọng trong 12 tháng tới của thị trường toàn cầu đã được điều chỉnh giảm trong quý trước. Cả S&P 500 và Stoxx 600 đều nằm trong thị trường giá xuống - được định nghĩa là mức giảm từ 20% trở lên so với mức cao gần đây.
Câu hỏi lớn trong mùa báo cáo này là liệu điều này có đủ trở thành yếu tố hỗ trợ hay không. Các chiến lược gia tại Goldman Sachs và BlackRock đã cảnh báo rằng, các ước tính vẫn còn quá cao và “chúng ta sẽ chứng kiến mức giảm đáng kể cho năm 2023”.
Tuy nhiên, những người khác thấy có lý do để tin rằng lợi nhuận có thể duy trì được một thời gian nữa.
“Chỉ nhìn vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, có rất ít dấu hiệu cho thấy lợi nhuận sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn này. Chúng tôi đang tìm có mối quan tâm về lợi nhuận, chi phí tiền lương, nhưng chúng tôi không mong đợi điều đó sẽ thể hiện ít nhất là cho đến khoảng quý đầu tiên của năm tới”, Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investor cho biết.
Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence kỳ vọng, lợi nhuận của chỉ số S&P 500 sẽ tăng 2,9% trong quý này, chủ yếu nhờ lĩnh vực năng lượng. Gina Martin Adams, giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu của BI cho biết, sự vắng mặt của “sự dư thừa kinh tế” - chẳng hạn như tình trạng mắc nợ cao từng thấy trước cuộc suy thoái năm 2008 - có thể ngăn nhu cầu của Mỹ khỏi sự sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi các nhà nhập khẩu châu Âu đang gặp khó khăn do euro yếu hơn, thì các nhà xuất khẩu đang được hưởng lợi. Công ty dược phẩm khổng lồ của Pháp Sanofi cho biết, họ dự kiến sẽ có tác động tích cực đến tiền tệ khoảng 10% trong quý này.
Ngay cả Michael J. Wilson, một chiến lược gia ưa thích thị trường giá xuống của Morgan Stanley cũng cho biết, chứng khoán Mỹ đang ở “giai đoạn cuối” của thị trường giá xuống và có thể tạo ra một đợt phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc bán tháo có thể sẽ tiếp tục sau đó.
Tâm trạng nhà đầu tư tiêu cực nhất định cũng có thể là một chỉ báo trái ngược về khả năng phục hồi của cổ phiếu trong ngắn hạn.
Các chiến lược gia của Sanford C. Bernstein cho biết, thước đo tâm lý của họ đã kích hoạt tín hiệu mua, có nghĩa là “rất có thể xảy ra đợt phục hồi của thị trường gấu”.
Phân tích kỹ thuật cũng cho thấy thị trường đang chuẩn bị cho sự phục hồi vào cuối năm. Các chỉ số sức mạnh tương đối của S&P 500 và Stoxx 600 đang ở mức quá bán. Điều đó đã đánh dấu mức đáy ngắn hạn trong quá khứ.
Sylvia Jablonski, Giám đốc đầu tư của Defiance ETFs cho biết: “Chúng tôi có tâm lý khủng khiếp trong lịch sử, cổ phiếu đang có vẻ rẻ đáng kể, chỉ số đo lường nỗi sợ hãi VIX tăng đột biến và thị trường đang bị bán tháo. Kết hợp với những điều kiện thuận lợi theo mùa, tất cả những yếu tố đó có thể dẫn đến một xu hướng hồi phục trong cuối năm”.