Chứng khoán tiếp tục khởi sắc, vàng giảm sâu

(ĐTCK) Sau những tác động của chính trị, giới đầu tư toàn cầu đang hướng sự chú ý vào kết quả kinh doanh quý I và nhà đầu tư đang hưởng những niềm vui ban đầu.
Niềm vui liên tiếp đến với các nhà đầu tư - Ảnh minh họa: AFP Niềm vui liên tiếp đến với các nhà đầu tư - Ảnh minh họa: AFP

Sau phiên bùng nổ hôm thứ Hai, phản ứng tích cực với kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Tổng thống Pháp, cùng với ngòi nổ địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên không được châm ngòi, phố Wall bắt đầu hướng sự chú ý vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuần này là một tuần bận rộn với 190 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh.

Trong phiên thứ Ba, kết quả của một số công ty công bố khả quan đã giúp phố Wall duy trì đà tăng điểm mạnh, trong đó Nasdaq lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 6.000 điểm. Chỉ số này mất hơn 17 năm để tăng từ mốc 5.000 điểm lên 6.000 điểm (mốc 5.000 điểm lần đầu được chinh phục ngày 7/3/2000). Trong khi trước đó nó chỉ mất 3 tháng để tăng từ 4.000 điểm lên 5.000 điểm.

Cụ thể, Caterpillar, McDonald's đều công bố lợi nhuận cao hơn dự báo. Theo ước tính của Thomson Reuters, lượi nhuận của quý I năm nay sẽ tăng 11,4%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Một thông tin khác cũng hỗ trợ phố Wall là Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ trình kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế suất đối với lợi nhuận mà các công ty Mỹ đưa về nước vào thứ Tư.  Theo Reuters dẫn một nguồn tin của chính phủ cho biết, ông Trump chỉ đạo cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Dow Jones tăng 232,23 điểm (+1,12%), lên 20.996,12 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,46 điểm (+0,61%), lên 2.388,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 41,67 điểm (+0,70%), lên 6.025,49 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau dư âm của kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Thống thống Pháp, chứng khoán châu Âu cũng hướng tới kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp. Trong phiên thứ Ba, các thị trường chính trong khu vực duy trì được đà tăng nhờ kết quả khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố, như nhà sản xuất chip AMS và cả thông tin về hoạt động mua bán, sáp nhập giữa Louis Vuitton và Christian Dior. Tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với phiên đầu tuần khi thị trường chịu tác động ngược lại của một số doanh nghiệp khác công bố kết quả kinh doanh kém khả quan như Boliden, Whitbread.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,96 điểm (+0,15%), lên 7.275,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 12,06 điểm (+0,10%), lên 12.467,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 9,03 điểm (+0,17%), lên 5.277,88 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngòi nổ khủng hoảng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên đã không được đốt khi Triều Tiên không thử tên lửa, hay vũ khí hạt nhân dư đồn đoán trong ngày 25/4, ngày thành lập quân đội của nước này đã giúp giới đầu tư thở phào nhẹ nhõm. Chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng mạnh và vượt qua ngưỡng 19.000 điểm lần đầu tiên trong 3 tuần, lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3. Chứng khoán Hồng Kông cũng bùng nổ, với phiên tăng tốt nhất trong 6 tuần qua. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi phục nhẹ sau phiên bán tháo trước đó.

Kết thúc phiên 25/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 203,45 điểm (+1,08%), lên 19.079,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 316,46 điểm (+1,31%), lên 24.455,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,04 điểm (+0,16%), lên 3.134,57 điểm.

Trong khi đó, khi các cuộc khủng hoảng địa chính trị và bất ổn chính trị qua đó, trong khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tích cực, vai trò trú ẩn của vàng đã mờ nhạt, khiến giá kim loại quý này tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 25/4, giá vàng giao ngay giảm 12 USD (-0,94%), xuống 1.264,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 10,3 USD (-0,81%), xuống 1.267,2 USD/ounce.

Giá dầu thô sau chuỗi lao dốc mạnh đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba sau số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố cho thấy kho dự trữ của Mỹ tuần qua tăng ít hơn dự báo.

Cụ thể, API cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua tăng 897.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1,6 triệu thùng của giới phân tích. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào sáng thứ Tư (theo giờ Mỹ).

Kết thúc phiên 25/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,33 USD/thùng (+0,67%), lên 49,56 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,5 USD (+0,96%), lên 52,10 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục