Câu hỏi này hoàn toàn có cơ sở, khi mà trong năm 2024, mặc dù chính sách tiền tệ và tài khóa đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế cũng như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán lại chưa thể có được diễn biến thực sự khởi sắc. Mặc dù các chỉ số chính ghi nhận mức tăng không thấp (VN-Index tăng hơn 12%), tuy nhiên diễn biến tăng của thị trường tập trung ở số ít cổ phiếu trụ cột, vốn hóa lớn khiến phần đông nhà đầu tư khó có được một năm thành công.
Dĩ nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, năm 2024 là một năm mà kinh tế mới manh nha hồi phục và mới thoát ra khỏi bức tranh ảm đạm, khó khăn của giai đoạn Covid 19 (2020 - 2021) và sự sụp đổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2022. Tâm lý nhà đầu tư còn mong manh, việc triển khai hệ thống KRX hay nâng hạng thị trường một lần nữa trễ hẹn, kết hợp đà bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại là các yếu tố kìm hãm thị trường.
|
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường công ty chứng khoán KB Việt Nam |
Bước sang năm 2025, những gam màu sáng được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều hơn khi nền kinh tế toàn cầu được hầu hết các tổ chức, định chế tài chính quốc tế nhận định sẽ tích cực hơn so với năm 2024. Hòa cùng bức tranh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ lọt Top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2025. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% được Chính phủ đưa ra là rất tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở khi năm 2025 sẽ chứng kiến nhiều động lực tăng trưởng kinh tế hội tụ và cộng hưởng. Các động lực nổi bật có thể kể đến như: môi trường lãi suất thấp được duy trì giúp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư; dư địa đẩy mạnh đầu tư công còn dồi dào, giúp phát triển cơ sở hạ tầng khi mà nợ công của nước ta còn ở mức thấp và năm 2025 là năm cao điểm triển khai nhiều dự án lớn; các rào cản pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực bất động sản, đang dần được gỡ bỏ; tiêu dùng nội địa kỳ vọng phục hồi nhờ các chính sách kích cầu (giảm thuế VAT, tăng lương cơ sở…); dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực chip bán dẫn khi mà xung đột Mỹ - Trung dự kiến sẽ căng thẳng trở lại dưới nhiệm kỳ mới của ông Trump; lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc, nối tiếp xu hướng tăng trưởng mạnh của năm 2024…
Vốn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 kỳ vọng sẽ có diễn biến đột phá tương ứng với những chuyển biến vĩ mô tích cực. Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thị trường không đối diện những khó khăn, thách thức. Thậm chí, rủi ro tiềm ẩn với thị trường chứng khoán sẽ diễn ra ngay vào thời điểm đầu năm 2025, do ảnh hưởng nối dài từ cuối năm 2024 với các lo ngại về vấn đề tỷ giá, hiệu ứng Trump 2.0, các xung đột địa chính trị toàn cầu dai dẳng, trong khi động thái bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong đó, tâm điểm đáng chú ý sẽ xoay quanh khoảng thời gian nửa cuối tháng 1 khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Các chính sách ban đầu được đưa ra của ông Trump sẽ là liều thuốc thử với thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán các quốc gia chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế của ông Trump, mà Việt Nam không hoàn toàn miễn nhiễm.
Với triển vọng tích cực, cùng thực tế chỉ số VN-Index đang được định giá thấp với PE chỉ 14,6 lần, không khó để chỉ số này tăng trong năm 2025 và chinh phục cột mốc 1.400 điểm, hướng tới 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm.
Tuy nhiên, những khó khăn sẽ qua đi và hé mở nhiều cơ hội, dư địa tăng trưởng tốt hơn cho thị trường chứng khoán về nửa cuối năm 2025, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng. Khả năng cao thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được tổ chức FTSE Russell xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025, khi mà tiêu chí non-prefunding đã được giải quyết (không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ký quỹ trước bằng tiền khi giao dịch cổ phiếu). Các ước tính cho thấy, hàng tỷ USD sẽ được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau thời điểm nâng hạng, qua đó giúp cân bằng lại áp lực bán ròng của khối ngoại như được chứng kiến trong năm 2024, đồng thời là “liều thuốc” kích thích để dòng tiền nội quay trở lại mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá kỳ vọng sẽ hạ nhiệt nửa sau năm 2025 nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực đến từ dòng vốn đầu tư FDI, xuất siêu được duy trì, trong khi sức mạnh đồng USD (đo lường bằng chỉ số DXY) kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng cuối 2024, đầu 2025.
Sau cùng, câu chuyện vĩ mô trong nước sẽ là một điểm tựa vững chắc với tăng trưởng kinh tế kỳ vọng ở mức cao như mục tiêu của Chính phủ đề ra, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, qua đó phản ánh lên diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Với triển vọng tích cực, cùng thực tế chỉ số VN-Index đang được định giá thấp với PE chỉ 14,6 lần (theo Bloomberg, thấp hơn mức bình quân 10 năm ở 16,6), không khó để chỉ số này tăng trong năm 2025 và chinh phục cột mốc 1.400 điểm, hướng tới 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm. Dù vậy, diễn biến phân hóa của thị trường trong vài năm trở lại đây cho thấy, ngay cả khi thị trường tăng điểm, việc lựa chọn cổ phiếu vẫn cần chú trọng. Lựa chọn đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng cao và hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô vẫn sẽ là lựa chọn an toàn, mang lại thành quả tốt cho năm 2025.
Từ góc độ nhóm ngành, một số ngành có lợi thế nổi bật, mang lại tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2025 bao gồm ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ và đầu tư công. Trong đó, ngân hàng hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu vốn hồi phục, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản, cùng với đó là sự cải thiện trong chất lượng tài sản của các nhà băng.
Nhóm công nghệ thông tin hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số, làn sóng đầu tư công nghệ AI, chip bán dẫn toàn cầu với việc Việt Nam đang là một trong những điểm đến lý tưởng của các tập đoàn công nghệ hàng đầu để hợp tác, đầu tư.
Nhóm ngành bán lẻ kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa nhờ mặt bằng lãi suất thấp kết hợp các chính sách kích cầu, trong khi thu nhập khả dụng của người dân gia tăng tương ứng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau cùng, nhóm cổ phiếu đầu tư công kỳ vọng hưởng lợi lớn khi đầu tư công trong năm 2025 được xem là một trong những mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt mức tăng trưởng 8% do Chính phủ đề ra.