Chứng khoán Techcombank (TCBS) “tung hoành” trên sân chơi trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) thường xuyên chiếm hơn 80% thị phần môi giới trái phiếu trên sàn HOSE. Công ty này đang quản lý một quỹ đầu tư trái phiếu với giá trị tài sản ròng trên 24.400 tỷ đồng.
Chứng khoán Techcombank (TCBS) “tung hoành” trên sân chơi trái phiếu

Tận dụng ưu thế từ công ty mẹ

TCBS đang quản lý Quỹ đầu tư trái phiếu TCBF, quỹ mở đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) 24.448 tỷ đồng tính tới đầu năm 2021 và 46.270 khách hàng.

Theo TCBF, Techcombank Group hiện dẫn đầu thị trường môi giới trái phiếu và có thế mạnh về tư vấn phát hành trái phiếu cho những doanh nghiệp lớn. Theo đó, TCBS chủ yếu hướng tới trái phiếu của các tập đoàn kể trên, tận dụng ưu thế từ Công ty mẹ.

Với TCBF, nhà đầu tư có thể tham gia thị trường trái phiếu bằng cách mua chứng chỉ quỹ với khoản đầu tư từ 1 triệu đồng và lợi tức kỳ vọng từ 8%/năm. Một tính toán trên website TCBS cho thấy, nếu nhà đầu tư đầu tư 1 triệu đồng vào Quỹ trái phiếu TCBF, hàng tháng đầu tư định kỳ thêm 1 triệu đồng, thì sau 5 năm dự kiến thu về 74 triệu đồng, nhiều hơn 4 triệu đồng so với việc gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, khi tham gia vào quỹ trái phiếu, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận trả các loại phí bao gồm phí quản lý (1,2% NAV/năm), phí mua lại (nếu nắm giữ chưa đủ 12 tháng), phí chuyển đổi quỹ (nếu có nhu cầu hoán đổi quỹ đầu tư thuộc TCBS)…

Một sản phẩm đầu tư trái phiếu khác mà TCBS cung cấp cho khách hàng là trái phiếu iBonds - hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân. Mức đầu tư tối thiểu đối với sản phẩm này là 200 triệu đồng và lợi nhuận kỳ vọng mỗi năm của nhà đầu tư vào khoảng 9% nếu nắm giữ tới ngày đáo hạn.

Hiện tại, TCBS đang giới thiệu cơ hội đầu tư trái phiếu Vinfast với lãi suất 9,6%/năm, mức đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng.

Đa phần các đợt phát hành trái phiếu mới đây của các doanh nghiệp như Masan, Vingroup, Novaland… được Techcombank “bao tiêu”, sau đó nhượng lại cho TCBS để bán lại cho khách hàng cá nhân.

Chẳng hạn, tháng 2/2020, Techcombank chuyển nhượng hơn 2.800 tỷ đồng trái phiếu Vinfast cho TCBS. Đây là những trái phiếu được phát hành vào các ngày 19, 20, 23, 24 tháng 12/2019, kỳ hạn 3 năm.

Rủi ro tiềm ẩn

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tương tự hình thức cấp tín dụng, nhưng các ngân hàng ít sâu sát hơn trong các khâu kiểm tra so với việc cho vay vốn.

Tổ chức phát hành trái phiếu có công bố bản cáo bạch khi phát hành, nhưng khi nhà đầu tư mua trái phiếu từ các tổ chức bao tiêu, tài liệu này thường không có sẵn.

Chưa kể, các loại tài sản đảm bảo của tổ chức phát hành có thể biến động sau khi trái phiếu đã được bán cho nhà đầu tư và việc tiếp cận thông tin cũng không dễ dàng. Chẳng hạn, khi có biến động về việc bên bảo đảm rút tài sản thế chấp của trái phiếu đã phát hành, người sở hữu trái phiếu cần mang theo giấy tờ nhân thân và các hồ sơ chứng minh quyền sở hữu trái phiếu đến trụ sở TCBS để có thể tiếp cận các tài liệu liên quan.

Bên cạnh đó, khả năng sinh lời của quỹ trái phiếu trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

Doanh nghiệp có thể thua lỗ, dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán tiền lãi và/hoặc gốc trái phiếu cho nhà đầu tư, hiệu quả đầu tư qua quỹ trái phiếu sẽ suy giảm.

Đối với các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, một rủi ro luôn hiện hữu liên quan tới tính thanh khoản của trái phiếu, cũng như của tổ chức môi giới. Cụ thể, rủi ro thanh khoản là việc trái phiếu có thể không chuyển thành tiền mặt ngay lập tức, giao dịch thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu do nhiều yếu tố tác động như biến động lãi suất, kết quả hoạt động của tổ chức phát hành…

Trong vai trò môi giới, TCBS cũng tham gia với tư cách là bên mua trái phiếu. Rủi ro xảy ra khi TCBS có thể không tham gia mua trái phiếu do không đảm bảo được thanh khoản, không còn hạn mức đầu tư, không đảm bảo hệ số vốn khả dụng tối thiểu tại một số thời điểm…

Cuối năm 2020, TCBS công bố thực hiện khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 10 triệu USD do CTBC Bank Co ltd thu xếp, dẫn tới tổng giá trị các khoản vay của Công ty vượt 30% vốn chủ sở hữu tính tại báo cáo tài chính bán niên 2020 đã được soát xét.

Ngoài ra, mức lãi suất mà nhà đầu tư kỳ vọng có thể biến động theo chiều hướng đi xuống. Cụ thể, lãi suất đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại TCBS thông thường tính trên cơ sở lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cộng với biên độ cố định. Nếu mặt bằng lãi suất tiết kiệm đi xuống thì lãi suất trái phiếu của nhà đầu tư cũng sẽ giảm.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục