Trong phiên thứ Sáu tuần trước, thông tin quan trọng được chờ đợi nhất với thị trường là báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ.
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 6, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 222.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cao hơn nhiều so với con số dự báo 179.000 của giới phân tích. Điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất tích cực và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay.
Tuy nhiên, nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất đã qua và bây giờ giới đầu tư tập trung vào các loại hàng hóa giá rẻ.
Theo số liệu của Thomson Reuters, cơ hội tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12 của Fed vẫn đứng ở mức 48,9%.
Sau thông tin trên, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng điểm, bất chấp giá dầu thô giảm mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ là nhóm có mức tăng tốt nhất với mức 1,25%.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng tăng 0,56% với khả năng Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones tăng 94,30 điểm (+0,44%), lên 21.414,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,43 điểm (+0,64%), lên 2.425,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 63,62 điểm (+1,04%), lên 6.153,08 điểm.
Phiên hồi phục cuối tuần đã cứu phố Wall tránh khỏi tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 0,30% sau khi mất 0,21% tuần trước, S&P 500 tăng 0,07% sau khi giảm 0,61% tuần trước đó và Nasdaq hồi nhẹ 0,21% sau khi giảm tới 1,99% trong tuần trước đó do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Tương tự, dù giá dầu thô giảm mạnh, nhưng ảnh hưởng tích cực từ thông tin bên kia bờ Đại Tây Dương và sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính với khả năng các ngân hàng Trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,64 điểm (+0,19%), lên 7.350,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,43 điểm (+0,06%), lên 12.388,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,24 điểm (-0,14%), xuống 5.145,16 điểm.
Với những phiên hồi phục tốt trong tuần qua, chứng khoán châu Âu đã chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,52%, DAX tăng 0,52% và CAC 40 cũng hồi phục 0,48%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến mua vào trái phiếu, nhưng do ảnh hưởng tâm lý từ việc sụt giảm trong phiên trước đó trên thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà giảm trong phiên cuối tuần trước, xuống mức thấp nhất 3 tuần.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên cuối tuần do giới đầu tư lo ngại các ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn duy trì được đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu sau khi công bố báo cáo lợi nhuận tích cực.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 64,97 điểm (-0,32%), xuống 19.929,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 124,37 điểm (-0,49%), xuống 25.340,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,17 điểm (+0,16%), lên 3.217,61 điểm.
Chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng, thì chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 2 liên tiếp và chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu điều chỉnh mạnh. Cụ thể, chỉ số Nikke 225 giảm 0,52%, chỉ số Hang Seng giảm 1,64%, còn chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng 0,79%. Chỉ số này có chuỗi tăng ấn tượng sau khi chứng khoán Trung Quốc được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong khi đó, với những thông tin kinh tế Mỹ vừa công bố, làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất, đẩy đồng USD hồi phục đã khiến giá vàng đã lao dốc trở lại sau phiên hồi nhẹ trước đó.
Kết thúc phiên 7/7, giá vàng giao ngay giảm 12,8 USD (-1,04%), xuống 1.212,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 11,4 USD/ounce (-0,93%), xuống 1.211,9 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với biên độ giảm gấp đôi so với tuần cuối tháng 6. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 2,34% và giá vàng tương lai giao tháng 8 cũng giảm 2,45%.
Với những diên biến hiện tại và dữ liệu kinh tế vừa công bố, giới phân tích vẫn có cái nhìn bi quan về xu hướng của giá vàng, trong khi đó, giới đầu tư đã có cái nhìn bớt tiêu cực hơn.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 19 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có tới 13 người, chiếm 68% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giả, cao hơn so với con số 61% của tuần trước. Trong khi chỉ có 4 người, 21% đánh giá tích cực về giá vàng, thấp hơn một chút so với con số 22% của tuần trước, 2 người còn lại, chiếm 11% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 814 người, thấp hơn nhiều so với con số 2.666 người tham gia tuần trước. Trong đó, có 386 người dự báo giá vàng sẽ phục hồi, chiếm 47%, cao hơn con số 26% của tuần trước; 324 người, chiếm 40% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm giảm, thấp hơn nhiều con số 68% của tuần trước; 104 lượt, chiếm tỷ lệ 13% giữ quan điểm trung lập.
Trên thị trường dầu thô, sau khi hồi nhẹ trong phiên trước đó, giá dầu thô đã đồng loạt lao dốc trở lại trong phiên cuối tuần khi dữ liệu mới cho thấy, sản xuất của Mỹ gia tăng và xuất khẩu của các nước OPEC cũng đạt mức cao trong năm nay.
Cụ thể, xuất khẩu của OPEC trong nửa đầu năm nay đạt mức 2 triệu thùng/ngày, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, dù các nước đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày. Theo quan sát của giới phân tích, mức xuất khẩu của các nước OPEC tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
Nga – nước tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC cho biết, họ sẵn sàng xem xét sửa đổi các thông số của thỏa thuận nếu cần.
Trong khi đó, sau khi bất ngờ giảm tuần trước, số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng thêm 7 giàn trong tuần trước, nâng tổng số giàn khoan của Mỹ lên 763 chiếc, mức nhiều nhất kể từ tháng 4/2015.
Chưa hết, hôm thứ Năm, dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, sản lượng dầu tuần trước của Mỹ tăng 1% lên 9,34 triệu thùng/ngày, sau khi giảm trong tuần trước đó do công tác bảo trì và đóng cửa do bão.
Kết thúc phiên 7/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,29 USD/thùng (-2,92%), xuống 44,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,40 USD (-3,00%), xuống 46,71 USD/thùng.
Sau khi hồi mạnh trong tuần trước, chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp trước đó, giá dầu thô đã nhanh chóng trở lại đà giảm trong tuần đầu tháng 7. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 3,93% sau khi tăng 7,04% trong tuần trước đó và giá dầu thô Brent cũng giảm 2,53% sau khi tăng 5,23% trong tuần trước đó.