Theo báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân (ADP) vừa công bố, trong tháng 6 bảng lương ADP có thêm 158.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 185.000 việc làm. Số liệu khác cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, lên 248.000 người, vượt trên mức mục tiêu là 243.000 người.
Trong một diễn biến khác, hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tuyên bố mạnh mẽ với Triệu Tiên sau cuộc thử tiên lửa đạn đạo mới nhất của nước này và kêu gọi các quốc gia khác cho Bình Nhưỡng thấy rằng, nước này sẽ phải chịu hậu quả với chương trình vũ khí đang theo đuổi.
Dữ liệu việc làm thất vọng, cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Năm, kéo các chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones giảm 158,13 điểm (-0,74%), xuống 21.320,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,79 điểm (-0,94%), xuống 2.409,75 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 61,39 điểm (-1,00%), xuống 6.089,46 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu lình xình trong ít phút đầu rồi sau đó cũng nhanh chóng giảm điểm do ảnh hưởng từ các thông tin về địa chính trị và dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,32 điểm (-0,41%), xuống 7.337,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 72,43 điểm (-0,58%), xuống 12.381,25 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,70 điểm (-0,53%), xuống 5.152,40 điểm.
Căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Triêu Tiên cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán châu Á. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản chính thức mất mốc 20.000 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tuần, chứng khoán Hồng Koong cũng đảo chiều giảm trở lại.
Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn duy trì sắc xanh, nhưng đà tăng đã bị hãm lại đáng kể.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 87,57 điểm (-0,44%), xuống 19.994,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 56,01 điểm (-0,22%), xuống 25.465,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,31 điểm (+0,17%), lên 3.212,44 điểm.
Dù nhận được hàng loạt thông tin tốt như căng thẳng địa chính trị, bảng lương ADP thất vọng, đồng USD giảm trở lại, giá dầu thô tăng, nhưng giá vàng vẫn không thể bứt phá, thậm chí chỉ có may mắn mới hãm được đà giảm cuối phiên.
Kết thúc phiên 6/7, giá vàng giao ngay giảm 1,7 USD (-0,14%), xuống 1.225,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,6 USD/ounce (+0,13%), lên 1.223,3 USD/ounce.
Sau phiên lao dốc thứ Tư, giá dầu thô đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước.
Cụ thể, theo báo cáo mới công bố của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 6,3 triệu thùng do hoạt động lọc dầu tăng và nhập khẩu giảm. Con số này cao hơn nhiều so với con số dự đoán 2,3 triệu thùng của giới phân tích và làm giảm tổng kho dự trữ xuống còn 502,9 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng Giêng.
Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,39 USD/thùng (+0,86%), lên 45,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,67%), lên 48,11 USD/thùng.