Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng vừa thử tiên lửa đạn đạo mới với tầm xa có thể vươn tới Alaska của Mỹ đã ảnh hưởng tới tâm lý thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với thị trường chứng khoán, căng thẳng này không đáng lo bằng việc các ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong phiên giao dịch trở lại hôm thứ Tư, sau 1 ngày nghỉ lễ độc lập, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ chờ thông tin quan trọng là biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed và dữ liệu kinh tế mới.
Theo biên bản cuộc họp vừa được công bố, các nhà hoạch định chính sách của Fed chia rẽ về mục tiêu lạm phát và điều này có thể ảnh hưởng tới quyết định tăng lãi suất trong tương lai. Biên bản cũng cho thấy, một vài quan chức của Fed đánh giá giá cổ phiếu đang cao so với mức định giá thực.
Còn theo dữ liệu kinh tế mới công bố, đơn đặt hàng mới cho hàng hoá sản xuất tại Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 5, nhưng các đơn đặt hàng thiết bị lại tăng mạnh hơn so với báo cáo trước đó, cho thấy sản xuất vẫn còn trên con đường tăng trưởng vừa phải.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Tư, thị trường bị ảnh hưởng mạnh khi giá dầu thô lao dốc hơn 4%, đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng lao theo, nhưng với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, đã giữ cho thị trường được sự cân bằng. Trong đó, Dow Jones thiếu chút may mắn khi đóng cửa giảm nhẹ, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ giúp S&P 500 và Nasdaq tăng điểm.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Dow Jones giảm 1,10 điểm (-0,01%), xuống 21.478,17 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,53 điểm (+0,15%), lên 2.432,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 40,79 điểm (+0,67%), lên 6.150,85 điểm.
Tương tự, dù chịu tác động ít nhiều từ sự kiện Triều Tiên vừa thử tiên lửa đạn đạo mới, cũng như đà lao dốc của giá dầu, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng, mà dẫn đầu là Adidas, đã giúp chứng khoán châu Âu hồi nhẹ trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,37 điểm (+0,14%), lên 7.367,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,55 điểm (+0,13%), lên 12.453,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,20 điểm (+0,10%), lên 5.180,10 điểm.
Tương tự chứng khoán Âu, Mỹ, vụ thử tiên lửa của Triều Tiên cũng qua nhanh với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á. Trong phiên thứ Tư, các thị trường chính trong khu vực đều tăng điểm. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần, chứng khoán Trung Quốc tăng khá mạnh dù chỉ số PMI tháng 6 giảm xuống còn 51,6 từ mức 52,8 trong tháng 5.
Dù vậy, thị trường vẫn tăng khi một báo cáo mới công bố cho thấy, các quỹ lương hưu được khuyến khích đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu và quỹ, nhằm cung cấp sự hỗ trợ ổn định lâu dài cho sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn.
Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục sau phiên giảm trước đó do sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiêu dùng và tài chính.
Kết thúc phiên 5/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 49,28 điểm (+0,25%), lên 20.081,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 132,96 điểm (+0,52%), lên 25.521,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,33 điểm (+0,76%), lên 3.207,13 điểm.
Dù căng thẳng địa chính trị gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, thường là thông tin tốt đối với vàng, nhưng giá kim loại quý này không thể bứt phát trong phiên thứ Tư, mà chỉ lình xình theo xu hướng giảm, thậm chí xuống mức thấp nhất 3,5 tháng trong phiên do ảnh hưởng từ đà lao dốc của giá dầu thô. Về cuối phiên, giá vàng hồi trở lại vào cuối phiên sau biên bản cuộc họp của Fed được công bố ít “hiếu chiến” hơn.
Kết thúc phiên 5/7, giá vàng giao ngay tăng 3,5 USD (+0,29%), lên 1.226,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,3 USD/ounce (-0,11%), xuống 1.221,7 USD/ounce.
Sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng tốt nhất trong 5 năm, giá dầu thô đã quay đầu lao dốc trong phiên thứ Tư khi đồng USD tăng mạnh và sản xuất của OPEC cũng gia tăng.
Kết thúc phiên 5/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,94 USD/thùng (-4,30%), xuống 45,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,89 USD (-3,95%), xuống 47,79 USD/thùng.