Cuối năm 2018, có 741 doanh nghiệp niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), giảm so với mức đỉnh 782 doanh nghiệp vào năm 2010. Đáng chú ý, 5 năm gần nhất, số lượng doanh nghiệp rời sàn lớn hơn so với lên sàn.
Chưa kể, năm 2018, lượng vốn huy động được từ 15 thương vụ IPO mới đạt 710,6 triệu SGD (đô la Singapore), trong khi 19 công ty hủy niêm yết khiến giá trị thị trường chứng khoán Singapore giảm tới 19,2 tỷ SGD. Hiện tại, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trên sàn SGX chỉ bằng một nửa so với năm 2007.
Rất nhiều tên tuổi rời sàn SGX trong những năm qua là những doanh nghiệp lớn với thương hiệu mạnh. Trong đó có GLP Pte, một trong những doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới; Osim International Pte, nhà sản xuất ghế massage lớn nhất châu Á… Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp sau khi rời khỏi SGX đã sớm tiến hành niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Thực tế, Singapore và Hồng Kông luôn là hai đối thủ trong cuộc đua cạnh tranh trở thành thủ phủ của các thị trường tài chính tại châu Á, nhưng hiện tại, Singapore đã bị bỏ lại phía sau khi so sánh số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khoảng cách này ngày càng cách biệt khi Hồng Kông khẳng định được vị thế của mình trong cuộc chiến thu hút doanh nghiệp IPO.
Năm 2018, các thương vụ IPO tại Hồng Kông đạt giá trị 33,5 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào trên toàn cầu. Thậm chí, không chỉ sàn Hồng Kông vượt mặt Singapore, mà các thị trường chứng khoán khác tại khu vực Đông Nam Á cũng đang có bước tiến mạnh mẽ. Chẳng hạn, các thương vụ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Việt Nam) huy động được 2,9 tỷ USD năm 2018, trong khi tại Thái Lan là 2,6 tỷ USD…
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, thực tế, diễn biến trên tại Singapore không phải vấn đề đáng ngại, bởi quốc gia này đang sở hữu những yếu tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng lại kìm hãm sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Thứ nhất là hệ thống giáo dục. Singapore đang chứng tỏ vị thế trung tâm giáo dục chất lượng cao hàng đầu thế giới, tạo nên những thế hệ doanh nhân tài năng và sự sáng tạo đáng ngưỡng mộ. Những doanh nhân này đã không còn đi theo con đường cũ khi đưa doanh nghiệp lên sàn, mà tập trung vào quá trình tạo ra những giá trị mới.
Thứ hai, Chính phủ Singapore luôn tập trung vào chính sách cổ vũ người dân sở hữu nhà, với niềm tin một khi có sự gắn bó với bất động sản, người dân sẽ đầu tư nhiều hơn vào quốc gia. Hiện tại, Singapore là quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà lớn bậc nhất thế giới, vào khoảng 90% và giá trị đầu tư vào thị trường bất động sản của cư dân nơi đây đạt 949 tỷ USD, chiếm 44% tài sản của các hộ gia đình. Trong khi đó, chứng khoán và trái phiếu chỉ chiếm tỷ lệ 9,6%. Con số này rất thấp so với tỷ lệ 48% tại Mỹ.
Giá trị đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu của cư dân chỉ chiếm 9,6% tài sản.
Thứ ba, dù dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán, nhưng Singapore vẫn giữ vững sức mạnh tại các thị trường tài chính khi là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á. Các ngân hàng tư nhân tại Singapore đang quản lý hơn 2.000 tỷ USD tài sản và cung cấp nhiều dịch vụ đầu tư thay thế chứng khoán.
Chew Sutat, người đứng đầu Bộ phận chứng khoán và tài sản mang lại thu nhập cố định tại SGX cho biết, rút niêm yết đang là xu hướng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, một thị trường chứng khoán hoạt động vững chắc không cần lo ngại việc các doanh nghiệp yếu kém rời khỏi sàn.
“Không như một số sàn giao dịch chứng khoán khác, SGX không thực hiện biện pháp nào để giữ chân các doanh nghiệp ở lại sàn chỉ để số lượng doanh nghiệp luôn tăng”, Chew Sutat cho biết.
Các tổ chức tài chính lớn nhận định, nền kinh tế Singapore đang tăng trưởng bền vững nhờ chính trị ổn định, đầu tư lớn vào giáo dục, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng… Do đó, tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc vào sức khỏe của thị trường chứng khoán.