Chứng khoán sáng 10/2: Tiết cung giá thấp

(ĐTCK) Nhận thấy xu hướng thị trường không quá tiêu cực và nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực mua vào, dù không dám mạnh dạn xuống tiền để đón đầu sóng tái cấu trúc của các quỹ ngoại, nhưng nhà đầu tư trong nước cũng đã hạn chế bán giá thấp, giúp cả 2 sàn hồi phục trở lại.
Chứng khoán sáng 10/2: Tiết cung giá thấp

Trong phiên giao dịch đầu tuần, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt mua vào nhóm ngân hàng, tài chính và bất động sản. Đây chính là lực đỡ chính giúp cho nhóm ngân hàng có được sắc xanh, qua đó giúp thị trường không giảm mạnh trước áp lực bán lớn từ nhà đầu tư trong nước.

Nhiều nhận định cho rằng, đây là đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ và sẽ tạo ra những đợt sóng ăn theo, giúp thị trường bứt phá trước và sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, động thái trên của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa tạo được hiệu ứng tích cực, giúp giải tỏa tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (10/2), giao dịch vẫn diễn ra như hơn 1 tuần gần đây khi giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt, mức biến động giá của các mã không lớn.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,19 điểm (+0,38%), lên 575,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,3 triệu đơn vị, giá trị 17,27 tỷ đồng.

Dù không nhận được sự hỗ trợ mạnh từ lực cầu ngoại như phiên đầu tuần, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì sắc xanh với thanh khoản tốt, giữ nhịp cho thị trường. Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, một số cổ phiếu lớn khác như BVH, VIC, DPM cũng duy trì được sắc xanh nhờ lực cầu ngoại, nhưng thanh khoản khá thấp.

Tuy nhiên, bước vào nửa cuối phiên giao dịch sáng, bên nắm giữ cổ phiếu bắt đầu tiết cung giá thấp, giúp các chỉ số bứt lên. Dù vậy, do lực cầu khá yếu, nên thanh khoản đứng ở mức rất thấp khi tổng giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn chưa tới 700 tỷ đồng. Thanh khoản trên HOSE duy trì như phiên trước chủ yếu nhờ đóng góp từ giao dịch thỏa thuận.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 3,56 điểm (+0,62%), lên 577,11 điểm. VN30-Index tăng 2,94 điểm (+0,49%), lên 597,71 điểm. Độ rộng của thị trường rộng hơn phiên sáng qua, nhưng nghiêng về hướng tích cực khi có 102 mã tăng, trong khi chỉ có 57 mã giảm. Nhóm VN30 cũng có 18 mã tăng, trong khi chỉ có 4 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch sáng nay đạt 38,76 triệu đơn vị, giá trị 747,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 10,84 triệu đơn vị, giá trị 291,1 tỷ đồng.

Trên HNX, sau nửa đầu giằng co quanh tham chiếu, dấu hiệu tích cực trên HOSE cũng giúp sàn này bứt khỏi vạch xuất phát và đóng cửa với mức tăng 0,32 điểm (+0,38%), lên 83,64 điểm. Tuy nhiên, độ rộng trên HNX rất hẹp với 59 mã tăng và 65 mã giảm. Đà tăng của HNX chủ yếu nhờ vào nhóm HNX30 khi nhóm này có 16 mã tăng, 6 mã giảm, HNX30-Index tăng 1,32 điểm (+0,82%), lên 162,52 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,74 triệu đơn vị, giá trị 343 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,74 triệu đơn vị, giá trị 109,7 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng vẫn là động lực chính, giúp thị trường giữ được nhịp trong phiên sáng nay. Dù không được khối ngoại mua vào mạnh như phiên hôm qua, nhưng nhóm này vẫn duy trì đà tăng tốt. Trong đó, BID tăng 2,89%, lên 17.800 đồng với 2,32 triệu đơn vị được khớp, CTG tăng 2,81%, lên 18.300 đồng với 1,33 triệu đơn vị được khớp, VCB tăng 1,11%, lên 36.600 đồng, MBB và STB cùng tăng 2 bước giá, trong khi EIB đứng ở tham chiếu.

Trong khi đó, FLC sau phiên mua vào đột biến của khối ngoại trong phiên chiều qua, sáng nay giao dịch khá cầm chừng. Kết thúc phiên sáng, FLC chỉ được khớp gần 1,56 triệu đơn vị, đứng ở mức tham chiếu 10.400 đồng, khối ngoại chỉ mua vào 60.980 đơn vị.

Đà tăng của nhóm ngân hàng giúp nhiều mã lớn khác hồi phục, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến HPG, khi từ mức giảm 1,56%, mã này đảo ngược 180 độ, chốt phiên sáng tăng 1,79%. Trong khi đó, BVH cũng đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên 38.400 đồng, tăng 1,32%. Đà tăng của VN-Index còn được sự hỗ trợ của các mã bluechip khác như GAS, HAG, DPM, GMD, VIC, SSI… Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không còn duy trì được đà tăng tốt như phiên hôm qua.

Ngoài các mã đáng chú ý trên, diễn biến chung của thị trường và các mã còn lại khá tẻ nhạt. Lực cầu yếu, trong khi lực bán ra cũng không quá mạnh khiến các mã còn lại chủ yếu là lình xình quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.

Trên HNX, ấn tượng nhất chính là sự vươn lên của FIT khi từ dưới tham chiếu, mã này đóng cửa tăng 4,26%, lên 19.600 đồng với 3 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX.

Ngoài ra, KLF, SHB cũng đóng cửa trong sắc xanh với mức giá cao nhất trong phiên, cũng hỗ trợ cho HNX-Index đảo chiều thanh công. Tuy nhiên, thanh khoản của các mã này không tốt như thường lệ khi chỉ có chưa tới 2 triệu đơn vị được khớp.

PVS và PVX cũng đã dần hồi phục cuối phiên, về lại được mức giá tham chiếu, cũng là mức giá cao nhất trong phiên, trong khi PVC giảm nhẹ 1 bước giá.

Nhóm cổ phiếu Sông Đà cũng chỉ chỉ lác đác xuất hiện những gợn sóng tại SD6, SD9. Trong khi VCG chỉ còn tăng nhẹ 1 bước giá, HLD thậm chí còn đảo chiều giảm 1,39%.

Nhìn chung, dù các chỉ số đã đảo chiều thành công, nhưng chủ yếu là nhờ lực cung giá thấp bị tiết, trong khi tâm lý chung của thị trường vẫn rất thận trọng, dòng tiền dường như không còn nhiều trên thị trường, hoặc đã rút ra để nghỉ Tết sớm. Do vậy, trong những phiên còn lại của năm Âm lịch, nhiều khả năng xu hướng lình xình với thanh khoản thấp sẽ vẫn được duy trì, chứ khó kỳ vọng vào đợt sóng đủ lớn giống như năm ngoái.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục