Chứng khoán quay đầu giảm, giá vàng, dầu thô khởi sắc

(ĐTCK) Nghi ngờ về kế hoạch cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa, phố Wall và chứng khoán châu Âu quay đầu giảm trở lại, trong khi giá vàng và dầu thô cùng nhau khởi sắc trong phiên cuối tuần.
Chứng khoán quay đầu giảm, giá vàng, dầu thô khởi sắc

Sau phiên hồi phục hôm thứ Năm, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư nghi ngờ về kế hoạch cải tổ chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

Kế hoạch cải tổ chính sách thuế lớn nhất kể từ năm 1980 của Mỹ với việc cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Điều này giúp chứng khoán Mỹ có những phiên tăng điểm tốt và liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên, khi nó được đưa lên Thương viện, kế hoạch này lại gặp phải những tranh cãi trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cho thấy, gần 2/3 trong số hơn 60 nhà kinh tế cho biết, họ không tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ thông qua luật này trong năm nay.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow Jones giảm 100,12 điểm (-0,43%), xuống 23.358,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,79 điểm (-0,26%), xuống 2.578,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,5 điểm (-0,15%), xuống 6.782,79 điểm.

Với số phiên giảm điểm nhiều hơn tăng, Dow Jones và S&P 500 có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 0,27% và 0,13%, trong khi đó, nhờ phiên khởi sắc hôm thứ Năm, Nasdaq lại hồi phục trở lại sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó với mức tăng 0,47%.

Những thông tin bất lợi từ Mỹ cũng khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,26 điểm (-0,08%), xuống 7.380,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 53,49 điểm (-0,41%), xuống 12.993,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,22 điểm (-0,32%), xuống 5.319,17 điểm.

Cũng giống như phố Wall, với số phiên giảm nhiều hơn số phiên tăng, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, dù đà giảm chỉ bằng một nửa so với tuần trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 0,70%, chỉ số DAX giảm 1,02% và chỉ số CAC 40 cũng giảm 1,14%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tăng mạnh khi bước vào phiên cuối tuần nhờ sự khởi sắc cửa phố Wall trong phiên thứ Năm sau khi Mỹ có bước tiến mới trong kế hoạch giảm thuế. Tuy nhiên, trong khi chứng khoán Hồng Kông giữ vững được đà tăng, thì chứng khoán Nhật Bản lại quay đầu trong phiên chiều và chỉ có may mắn mới giúp Nikkie 225 giữ được sắc xanh nhạt.

Trong khi đó, lo sợ về các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần với biên độ giảm mạnh hơn phiên trước đó.

Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 45,68 điểm (+0,20%), lên 23.396,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 180,28 điểm (+0,62%), lên 29.199,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,91 điểm (-0,50%), xuống 3.382,34 điểm.

Với các phiên hồi phục tốt cuối tuần, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì được đà tăng trong tuần qua với mức tăng lớn hơn rất nhiều tuần trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng, nhưng khiêm tốn hơn tuần trước, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục trở lại đà giảm sau tuần hồi phục trước đó.

Cụ thể, tuần qua chỉ số Nikkei 225 tăng 3,15% (tuần trước tăng 0,63%), chỉ số Hang Seng tăng 0,27% (tuần trước tăng 1,81%) và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,49% sau khi tăng 1,84% trong tuần trước đó.

Đà sụt giảm của chứng khoán, cùng với việc đồng USD giảm mạnh trở lại đã giúp vàng có phiên tăng vọt trong ngày cuối tuần, lên mức cao nhất 4 tuần. Ngoài ra, sự khởi sắc trở lại của giá dầu thô cũng góp phần giúp giá vàng tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/11, giá vàng giao ngay tăng 15,1 USD/ounce (+1,18%), lên 1.293,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 16,2 USD/ounce (+1,27%), lên 1.294,4 USD/ounce.

Phiên tăng mạnh cuối tuần đã chính thức giúp giá vàng có tuần tăng mạnh và cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 1,45% và giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng tăng 1,47%, mạnh hơn nhiều so với mức tăng 0,43% của tuần trước đó.

Đà tăng của giá vàng trong 2 tuần liên tiếp khiến cả giới phân tích và đầu tư tiếp tục có cái nhìn rất lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này, nhưng mức độ tự tin thấp hơn tuần trước đó.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp tuần này, có 16 chuyên gia thị trường trả lời (thấp hơn con số 21 chuyên gia của tuần trước), trong đó có 9 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 56%, thấp hơn nhiều con số 86% so với tuần trước; 1 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 6% (trong tuần trước lần đầu tiên trong 7 năm cuộc thăm dò được tiến hành, không có ai dự báo giá vàng giảm); 6 người còn lại, chiếm tới 38% giữ quan điểm trung lập, cao hơn con số 14% của tuần trước.

Trong cuộc thăm do trực tuyến, có 563 lượt người tham gia, trong đó có 314 lượt dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, chiếm 56%, thấp hơn con số 64% của tuần trước; 147 lượt dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 26%, cao hơn con số 23% của tuần trước và 102 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 18%.

Giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại trong phiê thứ Sau sau chuỗi phiên giảm liên tiếp trước đó trong tuần. Giá dầu thô tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần sau thông tin một đường ống dẫn dầu lớn của Mỹ ngừng hoạt động, trong khi giới đầu tư kỳ vọng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận mở rộng việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào cuối tháng này.

Kết thúc phiên 17/11, giá dầu thô Mỹ tăng 1,41 USD (+2,49%), lên 56,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,36 USD (+2,17%), lên 62,72 USD/thùng.

Dù tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên giảm liên tiếp trong tuần do các thông tin bất lợi về nguồn cung và EIA giảm dự báo nhu cầu, giá dầu thô đã kết thúc chuỗi tuần tăng liên tiếp của mình ở con số 5. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 0,33% và giá dầu thô Brent giảm 1,26%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục