Chứng khoán đồng loạt khởi sắc trở lại

(ĐTCK) Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch thứ Năm.
Chứng khoán đồng loạt khởi sắc trở lại

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Dow Jones tăng 187,08 điểm (+0,80%), lên 23.458,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,02 điểm (+0,82%), lên 2.585,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,08 điểm (+1,30%), lên 6.793,29 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau chuỗi giảm điểm kéo dài nhất kể từ tháng 10/2016, các chỉ số chứng khoán chính của “lục địa già” cũng đồng loạt tăng trở lại trong phiên thứ Năm nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu tài chính, công nghê và ô tô. Kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố cũng hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường.

Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số chứng khoán chính châu Âu bị hãm lại đôi chút do đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu năng lượng theo đà giảm của giá dầu thô. Chứng khoán Anh còn bị ảnh hưởng bởi đà sụt giảm của cổ phiếu GKN với mức giảm tới 4,8% sau khi đại gia công nghiệp này công bố một khoản nợ bổ sung.

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,33 điểm (+0,19%), lên 7.386,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 70,85 điểm (+0,55%), lên 13.047,22 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 35,14 điểm (+0,66%), lên 5.336,39 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi điều chỉnh kéo dài, chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Năm, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên bán tháo trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục khá trở lại trong phiên thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu lớn, bất động sản. Trong khi đó, dù nhận được sự hỗ trợ lớn của nhóm bluechip và nhóm bất động sản, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn tiếp tục có phiên giảm nhẹ hôm thứ Năm.

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 322,80 điểm (+1,47%), lên 23.351,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 167,07 điểm (+0,58%), lên 29.018,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,27 điểm (-0,10%), xuống 3.399,25 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này chỉ lình xình trong suốt phiên giao dịch thứ Năm và đóng cửa gần như không đổi do không có thông tin tác động đáng kể nào. Dù nỗ lực hồi phục trở lại, nhưng việc thị trường chứng khoán khởi sắc và đồng USD hồi phục khiến giá vàng bị đẩy trở lại và chỉ may mắn mới thoát được phiên giảm tiếp theo.

Kết thúc phiên 16/11, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD/ounce (+0,06%), lên 1.278,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,5 USD/ounce (+0,04%), lên 1.278,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm do lo ngại về sự gia tăng sản lượng của Mỹ, làm nguồn cung vượt quá sức cầu, dù các nhà sản xuất OPEC và các nhà sản xuất lớn khác sẽ nhóm họp vào cuối tháng này để thỏa thuận về việc mở rộng cắt giảm sản lượng.

Với những lo lắng về dư cung, giá dầu thô Mỹ đã có chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, còn dầu thô Brent có chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.

Kết thúc phiên 16/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,19 USD (-0,34%), xuống 55,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-0,82%), xuống 61,36 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục