Dầu thô lao dốc, kéo chứng khoán giảm theo

(ĐTCK) Dầu thô giảm mạnh sau khi IEA cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, kéo chứng khoán toàn cầu giảm theo trong phiên thứ Ba.
Dầu thô lao dốc, kéo chứng khoán giảm theo

Sau phiên hồi phục nhẹ đầu tuần, phố Walld dã đồng loạt đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Ba khi nhóm cổ phiếu lao theo giá dầu. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Gerenal Electric tiếp tục sụt giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp sau công bố cải tổ trước đó, cũng góp phần đẩy phố Wall điều chỉnh.

Kết thúc phiên 14/11, chỉ số Dow Jones giảm 30,23 điểm (-0,13%), xuống 23.409,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,97 điểm (-0,23%), xuống 2.578,87 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,72 điểm (-0,29%), xuống 6.737,87 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên sụt giảm tiếp theo, xuống mức thấp nhất 7 tuần khi đà giảm của nhóm cổ phiếu năng lượng, nguyên liệu mạnh hơn so với sự hỗ trợ đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Kết thúc phiên 14/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,76 điểm (-0,01%), xuống 7.414,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,94 điểm (-0,31%), xuống 13.033,48 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,05 điểm (-0,49%), xuống 5.315,58 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giao dịch đầy biến động. Sau khi tăng mạnh trong phiên sáng, chỉ số Nikkei 225 đã quay đầu giảm trở lại trong phiên chiều và đóng cửa sát dưới ngưỡng tham chiếu, ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp.

Trong khi đó, sau chuỗi tăng ấn tượng nhờ thông tin nới room các công ty tài chính, chứng khoán Trung Quốc đã điều chỉnh trong phiên thứ Ba khi dữ liệu sản xuất công nghiệp vừa công bố cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang mất đà tăng trong tháng 10.

Thông tin từ Trung Quốc đại lục cũng kéo chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh theo trong phiên thứ Ba sau khi hồi phục trở lại trong phiên thứ Hai.

Kết thúc phiên 14/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 0,98 điểm (-0,00%), xuống 22.380,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 30,06 điểm (-0,10%), xuống 29.151,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,29 điểm (-0,53%), xuống 3.429,55 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này sụt giảm mạnh cuối phiên châu Á và phiên châu Âu, nhưng sau đó đã bật tăng trở lại khi bước vào phiên Mỹ do đồng USD giảm mạnh và chứng khoán sụt giảm. Tuy nhiên, giá vàng không duy trì được đà tăng mạnh, mà hạ nhiệt vào cuối phiên, chốt phiên chỉ với mức tăng khiêm tốn.

Kết thúc phiên 14/11, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD/ounce (+0,15%), lên 1.279,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4 USD/ounce (+0,3%), lên 1.282,9 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Ba sau báo cáo kém tích cực bất ngờ của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Cụ thể, IEA bất ngờ cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu so với báo cáo trước đó 100.000 thùng/ngày trong năm nay và năm tới, xuống còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2017 và 1,3 triệu thùng vào năm 2018.

Lý do IEA giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu là do nhiệt độ ấm hơn có thể làm giảm tiêu dùng, trong khi sản lượng khai thác tăng mạnh từ một số nước sản xuất có thể làm tăng nguồn cung toàn cầu trong nửa đầu năm 2018.

Kết thúc phiên 14/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,16 USD (-2,04%), xuống 55,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,24 USD (-1,96%), xuống 61,92 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục