Chứng khoán phục hồi, dầu thô tiếp nối đà tăng

(ĐTCK) Biên bản cuộc họp của Fed vừa công bố giúp phố Wall phục hồi trở lại sau phiên “giật mình” hôm thứ Ba, trong khi dữ liệu về kho dự trữ của Mỹ giảm mạnh giúp giá dầu thô có phiên tăng thứ 5 liên tiếp.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau phiên giảm khá mạnh hôm thứ Ba do phát biểu của Chủ tịch Fed New York, William Dudley về việc có thể tăng lãi suất ngay trong tháng 9, chứng khoán Mỹ đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Tư khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố cho thấy ý kiến trái chiều của các nhà tạo lập chính sách về vấn đề tăng lãi suất.

Biên bản này cũng cho biết cái nhìn của Fed về kinh tế không có nhiều thay đổi, nhưng cho biết rủi ro trong ngắn hạn cho nền kinh tế giảm đi, để ngỏ cửa cho tăng lãi suất có thể trong năm nay.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones tăng 21,92 điểm (+0,12%), lên 18.573,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,07 điểm (+0,19%), lên 2.182,22 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,55 điểm (+0,03%), lên 5.228,66 điểm.

Lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất sơm khiến chứng khoán châu Âu có phiên giảm thứ 2 liên tiếp hôm thứ Tư.  Ngoài ra, kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố như Wienerberger, Carlsberg và công ty bảo hiểm của Anh Admiral cũng góp phần khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,77 điểm (-0,50%), xuống 6.859,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 138,98 điểm (-1,30%), xuống 10.537,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 42,76 điểm (-0,96%), xuống 4.417,68 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó nhờ đồng yên đã ổn định trở lại sau khi tăng lên mức cao nhất 7 tuần sau phát biểu của quan chức Fed về việc tăng lãi suất trong ngày thứ Ba.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm do áp lực chốt lời sau khi có chuỗi tăng ấn tượng nhờ thông tin giao dịch liên thông giữa sàn Thâm Quyến và Hồng Kông.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 149,13 điểm (+0,9%), lên 16.869,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 111,06 điểm (-0,48%), xuống 22.799,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,48 điểm (-0,02%), xuống 3.109,55 điểm.

Giá vàng trong phiên thứ Tư chủ yếu lình xình đi ngang trước khi tăng trở lại vào cuối phiên sau biên bản cuộc họp của Fed được công bố với các ý kiến trái chiều của các nhà hoạch chính sách tiền tệ của Fed về việc tăng lãi suất. Trong khi đó, dư âm từ phát biểu trước đó của Chủ tịch Fed New York, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 trên sàn Comex giảm khá mạnh.

Kết thúc phiên 17/8, giá vàng giao ngay tăng 2,6 USD (+0,19%), lên 1.348,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,1 USD (-0,60%), xuống 1.348,8 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong phiên thứ Tư nhờ thông tin hỗ trợ từ kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước, cùng với việc đồng USD đang ở mức thấp nhất gần 2 tháng.

Cụ thể, theo số liệu vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 12/8 giảm 2,5 triệu thùng, trái ngược với dự đoán tăng 500.000 thùng của các nhà phân tích.

Như vậy, kể từ khi Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ả Rập Xê út phát biểu về việc các thành viên OPEC và ngoài OPEC sẽ bàn về vấn đề đóng băng sản lượng trong cuộc gặp vào tháng 9 tới, giá dầu thô đã có chuỗi tăng ấn tượng với mức tăng 13%.

Kết thúc phiên 17/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,21 USD/thùng (+0,45%), lên 46,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,62 USD (+1,26%), lên 49,93 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục