Fed bất ngờ có quan điểm “diều hâu”
Vào đêm thứ Tư tuần qua (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông tin về khả năng nâng lãi suất trong năm 2023, đồng thời thu hẹp chương trình mua trái phiếu.
Trong ngắn hạn, diễn biến này không có sự tác động trực tiếp đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhưng dưới góc độ gián tiếp, quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed khiến chỉ số US Dollar Index tạo đáy ở 90 điểm, kéo theo tỷ giá USD/VND tại Việt Nam không ngừng tăng và là một trong những yếu tố khiến khối ngoại bán ròng nhẹ trở lại.
Diễn biến chỉ số US Dollar Index. |
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones điều chỉnh xuống dưới đường trung bình 50 ngày, ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư.
Giá trị USD tăng khiến giá của một loạt loại hàng hóa điều chỉnh, từ giá vàng tới dầu thô, quặng sắt, cao su tự nhiên… khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tại Việt Nam quay đầu giảm, trong khi trước đó là điểm tựa hồi phục. Chỉ số hàng hóa của Bloomberg BCOM giảm 3,6% chỉ trong một đêm.
Nhưng điều quan trọng nhất là thị trường Việt Nam đã trụ vững. Bất chấp tuần đáo hạn phái sinh (kỳ hạn 1 tháng - VN30F1M) khốc liệt, bất chấp tuần cơ cấu của hai quỹ ETF với một loạt cổ phiếu blue-chip bị bán ròng, bất chấp quyết định bất ngờ từ Fed, chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa cuối tuần qua tại mức đỉnh thời đại.
VN30-Index có điểm tựa mới
Xuất phát từ một số tin đồn, cổ phiếu VPB sập gãy khỏi nền giá 70.000 đồng/cổ phiếu vốn được xây dựng ổn định.
Sự điều chỉnh của cổ phiếu VPB với tỷ trọng lên tới hơn 7% trong rổ VN30-Index là nguyên nhân chính khiến chỉ số suy yếu rõ rệt khi so sánh với VN-Index. Nhóm ngân hàng có một tuần giao dịch đáng quên khi đa số cổ phiếu rời xa khu vực đỉnh ngắn hạn vừa được tạo dựng.
Tuy nhiên, dòng tiền thông minh không vì vậy mà chùn bước, nhanh chóng tìm ra điểm đến mới. Đầu tiên là sự khởi sắc của VHM và SAB, sau đó là nhóm vốn hóa trung bình ngành phân bón, bất động sản, cảng biển gần như đồng loạt tăng giá. Một trong những mã lớn ngành ngân hàng là VCB cũng đã quay lại dẫn dắt tâm lý thị trường sau một số phiên giảm giá trước đó.
Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá. |
VN30-Index sau khi lập đỉnh trên 1.500 điểm ngày 3 - 4/6/2021 đã có 2 phiên lùi sâu, nhưng kiểm chứng thành công vùng hỗ trợ 1.460 điểm nhờ sự luân chuyển của dòng tiền, cuối tuần qua đóng cửa tại 1.481,3 điểm. Các dao động hình thành hai đáy với đáy sau cao hơn đáy trước có dấu hiệu co hẹp để tạo ra mẫu hình tích lũy tam giác tăng tiếp diễn.
Xét trên tư duy giao dịch đối với thị trường phái sinh thì giai đoạn hiện tại vẫn mang tính chất thăm dò. Tuy vậy, nhà đầu tư có thể lạc quan về triển vọng của thị trường trong tuần mới, bởi xu hướng trung - dài hạn vẫn là tăng.
Lạc quan nhưng không chủ quan
Trên thị trường phái sinh, chiến lược chờ điều chỉnh để mở vị thế mua mới đạt hiệu quả trong tuần đáo hạn hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng, khi giá quay trở lại kiểm chứng mốc 1.460 - 1.470 như kế hoạch. Hiện tại, mức lợi nhuận khoảng 15 - 20 điểm giúp nhà đầu tư tự tin nắm giữ vị thế qua đêm, bất chấp những biến động có thể xảy ra tại thị trường Mỹ trong đêm cuối tuần.
Sau khi hợp đồng VN30F2106 đáo hạn, dòng tiền dịch chuyển sang sang hợp đồng VN30F2107 và xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Spread (chênh lệch giữa giá của hợp đồng tương lai và chỉ số VN30-Index) có những thời điểm dương tới 10 điểm trong phiên, đóng cửa tuần qua ở mốc dương 3,7 điểm. Khối ngoại mạnh tay mua ròng hàng nghìn hợp đồng, dù có động thái bán ròng cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Lạc quan, nhưng không nên chủ quan khi mốc kháng cự 1.500 - 1.510 điểm vẫn hiện hữu. Vùng tích lũy dần tích cực, nhưng chưa đảm bảo cho pha tăng trưởng với tâm lý hưng phấn sẽ tiếp diễn. Chiến lược mua tiếp tục được ưu tiên, nhưng không có nghĩa là nên mua đuổi trong vùng dao động khó chịu 1.460 - 1.500 điểm.
Đối với chiến lược mua trung hạn, sau khi mở vị thế mua quanh mức 1.460 điểm, nhà đầu tư duy trì mốc quản trị rủi ro cắt lỗ tại 1.440 điểm, giữ trạng thái thăm dò, chờ đợi thị trường dao động tích lũy đến khi thời cơ thực sự chín và chỉ tăng tỷ trọng nếu giá vượt qua 1.510 điểm.
Chiến lược giao dịch VN30F1M là “Mua khi giá thấp - Chốt lời khi hồi phục” |
Đối với chiến lược ngắn hạn, tiếp tục “mua khi giá thấp - chốt lời khi hồi phục”, tập trung giao dịch trong biên độ 1.460 - 1.500 điểm. Chốt lời, nhưng nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế bán, bởi khi giá tạo mẫu hình tam giác với cận trên bằng phẳng thì áp lực của bên mua ngày càng lớn hơn, một pha bứt phá bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra. Các vị thế mua ngắn hạn cũng được quản trị rủi ro tại 1.440 điểm.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua
Trong một xu hướng tăng, việc đặt cược mở vị thế mua tại các mốc hỗ trợ mạnh vẫn cho thấy xác suất thành công cao. Người viết mở vị thế mua hợp đồng VN30F2107 theo kế hoạch tại 1.460 điểm cho cả chiến lược trung và ngắn hạn, yên tâm nắm giữ một phần tỷ trọng qua tuần nhờ mức lợi nhuận sẵn có.
Như kỳ vọng, bức tranh thị trường đã rõ ràng hơn sau tuần hợp đồng VN30F2106 đáo hạn. Khi mẫu hình giá cũng như biên độ hỗ trợ - kháng cự được hình thành, công việc của nhà đầu tư chỉ còn là giao dịch theo những gì mình quan sát thấy, chứ không cần nhiều suy đoán.