Chứng khoán phái sinh: Tuần giao dịch nhiều cảm xúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch đầy cảm xúc, từ lạc quan, tới bất ngờ, bi quan và rồi hy vọng trở lại.
Chứng khoán phái sinh: Tuần giao dịch nhiều cảm xúc

Khối ngoại mua ròng, điểm tựa cần thiết khi thị trường rung lắc

Thị trường chứng khoán mở đầu tuần qua bằng một loạt cảnh báo thị trường đã tăng nóng từ các chuyên gia và báo chí. Sự cố nghẽn lệnh trên HOSE như đổ thêm dầu vào lửa, đẩy nhà đầu tư phải trạng thái phải bán tháo, dù có những cổ phiếu đã giảm về sát ngưỡng hỗ trợ, thậm chí là giảm sàn.

Thế nhưng, những tia hy vọng được nối lại nhanh chóng, dòng tiền bắt đáy dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán gây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và khối ngoại đã quay trở lại mua ròng.

Dù giá trị mua ròng của khối ngoại vẫn còn ở mức hạn chế, nhưng lại tập trung vào một loạt mã blue-chips có trọng số lớn trên chỉ số VN-Index. Sự hỗ trợ của yếu tố “nước ngoài” còn được thể hiện ở môi trường đầu tư quốc tế đang rất ổn định, chỉ số VIX đo lường độ biến động của S&P 500 hiện chỉ còn 16 điểm và sát mức đáy một năm.

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại và tự doanh (Đơn vị: tỷ đồng).

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại và tự doanh (Đơn vị: tỷ đồng).

Tuy nhiên, sự ổn định này có thể không kéo dài lâu, nhà đầu tư không nên bỏ qua một loạt sự kiện diễn ra trong tuần này. Đó là, đêm thứ Ba và thứ Tư (15/6-16/6) theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ có cuộc họp mang tính quyết định đến chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2021.

Vào thứ Năm (17/6), hợp đồng VN30F2106 sẽ đáo hạn sau một tháng dao động đầy sóng gió. Thứ Sáu (18/6), hai quỹ ETF là FTSE và Vaneck sẽ kết thúc kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 6.

Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục

Chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy cảm xúc, từ lạc quan, tới bất ngờ, bi quan và rồi hy vọng trở lại.

Trong 2 ngày đầu tuần, các chỉ số nhanh chóng gãy khỏi kênh xu hướng tăng kéo dài từ đầu tháng 2/2021, rơi gần 100 điểm trong 2 phiên và đe dọa mốc hỗ trợ mạnh 1.300 điểm bên phía VN-Index. Tưởng chừng như rung lắc điều chỉnh kéo dài, thì pha hồi phục trong phiên cuối tuần cũng không kém phần ngoạn mục.

VN-Index và VN30-Index đã đóng cửa sát về mốc đỉnh, một số mã vốn hóa lớn còn tăng trần như CTG.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số VN30-Index đã tạo được “chiếc cốc” thường xuất hiện trong một số mẫu hình tăng tiếp diễn, qua đó tạo ra hy vọng về khả năng đà hưng phấn sẽ được tiếp nối trong trung hạn.

Điều còn thiếu lúc này là tín hiệu xác nhận nếu chỉ số vượt hẳn qua 1.510 điểm, hoặc tạo một “tay cầm” nếu quay lại kiểm chứng mốc hỗ trợ 1.460 điểm. Mục đích của pha kiểm chứng 1.460 điểm là khẳng định lại sự vững vàng của dòng tiền chờ mua (với kịch bản này, VN30-Index cũng sẽ hoàn thành mẫu hình cốc-tay cầm).

Trường hợp tiêu cực hơn là khi chỉ số sập gãy hoàn toàn khỏi vùng hỗ trợ nền giá 1.430 điểm, động lượng sẽ hướng về các vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo là 1.400 điểm và 1.380 điểm.

Dàn binh bố trận, chuẩn bị cho tuần đáo hạn

Như để trả lời cho câu hỏi tuần trước nữa rằng “liệu đà tăng trưởng có quá hoàn hảo”, VN30F1M ngay lập tức điều chỉnh khốc liệt. Các vị thế mua ngắn và trung hạn lần lượt phải đóng bắt buộc để quản trị rủi ro.

VN30F1M đang vận động sát hơn với chỉ số cơ sở.

VN30F1M đang vận động sát hơn với chỉ số cơ sở.

Dù đã có những sự phục hồi đáng kể trong phiên cuối tuần, khi giá chưa vượt hẳn qua vùng đỉnh 1.510 điểm thì các dao động hiện tại vẫn chỉ mang ý nghĩa xây dựng nền tảng cho xu hướng sắp tới.

Đà tăng trung hạn tạm thời được duy trì, các kịch bản của VN30F1M cũng được xây dựng tương tự kịch bản cho chỉ số VN30-Index khi mức chênh lệch giá chỉ thường dưới 10 điểm và số lượng hợp đồng giữ qua đêm (Open Interest) chỉ trên 30.000 hợp đồng, cho thấy dòng tiền bên phía phái sinh không vận động quá độc lập.

Đối với các vị thế trung hạn, tiếp tục ưu tiên vị thế mua, nhà đầu tư có thể cân nhắc quan sát trên hợp đồng VN30F2107 (hay còn gọi là VN30F2M) khi đã đến tuần đáo hạn.

Tăng tỷ trọng mua trong trường hợp giá vượt hẳn qua mốc đỉnh thời đại 1.510 điểm, hoặc khi điều chỉnh trở lại và kiểm chứng mốc hỗ trợ 1.460-1.470 thành công. Các vị thế mua trung hạn sẽ phải đóng trong trường hợp thủng mốc hỗ trợ 1.440 điểm.

Đối với các vị thế ngắn hạn, tư duy giao dịch lúc này là duy trì giao dịch “mua thấp - chốt lời cao”, mở vị thế mua khi giá điều chỉnh về mốc hỗ trợ 1.460 điểm và chốt lời nếu hồi phục vội vàng trở lại trên 1.500 điểm, cắt lỗ trong trường hợp giá xuống dưới 1.440 điểm.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Trải qua nhiều tuần giao dịch tương đối dễ dàng, cuối cùng thử thách cũng đã đến với chiến lược “Bám theo đà” của người viết. Lần lượt các vị thế Mua (Long) ngắn - trung hạn lần lượt phải đóng tại các mốc 1.470 và 1.450 điểm. Thiệt hại chỉ ăn vào phần lợi nhuận, nhưng không khỏi để lại tiếc nuối khi mốc kháng cự 1.500 điểm quá vững.

Trở lại với vùng tích lũy hiện tại, mẫu hình hai đáy được hoàn thành tương đối rõ ràng trong phiên cuối tuần, qua đó người viết mở các vị thế mua một phần tại mốc viền cổ gần 1.470 điểm cho cả hai tầm nhìn đầu tư trung và ngắn hạn. Các vị thế nắm giữ vẫn chỉ mang tính chất thăm dò, hy vọng bức tranh thị trường sẽ rõ ràng hơn trong tuần đáo hạn phái sinh.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục