Chứng khoán phái sinh: Thử thách sự kiên nhẫn của dòng tiền lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN30 chưa thật sự có được điểm tựa vững chắc để trở lại trạng thái tăng, nhưng tâm lý nhà đầu tư dần được cải thiện và đồ thị kỹ thuật có mẫu hình nến với đáy sau cao hơn đáy trước, có thể kỳ vọng thị trường tích lũy lành mạnh và xu hướng hồi phục dần quay trở lại.
Chứng khoán phái sinh: Thử thách sự kiên nhẫn của dòng tiền lớn

Fed tăng lãi suất tạo hiệu ứng tin ra là mua

Thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục trước và sau thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất ngày 27/7 nhằm kiềm chế lạm phát. Mức tăng lãi suất 0,75% thấp hơn so với không ít dự báo là 1%. Nhiều nhà đầu tư tự tin quay trở lại thị trường, bởi nỗi lo về lạm phát không thể kiềm chế dần được giải tỏa. Theo đó, hiệu ứng “tin ra là mua” kích hoạt dòng tiền, giúp hầu hết các thị trường chứng khoán tăng điểm.

Nhưng có thể nhịp tăng điểm này sẽ không kéo dài. Về bản chất, thị trường vẫn tiêu cực. Fed tiếp tục có kế hoạch tăng lãi suất và điều này không tốt cho thị trường chứng khoán. Do vậy, yếu tố “hưng phấn” ngắn hạn có thể trở thành gánh nặng đối với chỉ số chứng khoán sau này. Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 khả quan từ phía các doanh nghiệp cũng không còn nhiều bất ngờ, thị trường sắp bước vào trạng thái trống thông tin hỗ trợ.

Chiều hướng vận động của một số tài sản.

Chiều hướng vận động của một số tài sản.

Biểu đồ vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản cho thấy sự phân hóa đang diễn ra. Cụ thể, trong khi VN-Index không vận động quá nhiều, liên quan đến tính thanh khoản vẫn đang ở mức thấp, thì chỉ số S&P 500 có bước tăng đột phá. Ngược lại, tài sản năng lượng là dầu thô đang ở mức rất thấp tại vùng giảm mạnh, thể hiện nhu cầu tiêu thụ năng lượng để sản xuất đang hụt dần. Tín hiệu của suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm 2022 đang lờ mờ hiện ra.

VN30: Nền giá được giữ vững

Nhìn vào bối cảnh liên thị trường, có thể thấy VN30 chưa thật sự có được điểm tựa vững chắc từ vĩ mô để trở lại trạng thái tăng. Nhưng có thể, với các chỉ báo kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, nguy cơ điều chỉnh sâu sẽ không diễn ra. Theo đó, trạng thái duy trì vận động tích lũy đang trở thành kỳ vọng lớn nhất của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

So với vận động thị trường tuần trước đó, VN30 trong tuần qua chưa đạt được trạng thái tích cực khi có một số phiên tăng giảm vượt biên độ bình thường và thanh khoản cũng không ổn định. Nhìn chung, nội lực của chỉ số không quá mạnh, thậm chí có phần phụ thuộc vào thông tin bên ngoài để vận động.

Điểm nhấn duy nhất của VN30 thời điểm này là nền giá được giữ vững từ tháng 5/2022 đến nay. Nói cách khác, lực bán không lớn, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đang lựa chọn vị thế đứng ngoài quan sát, thay vì tham gia mua lên, mặc cho giá nhiều cổ phiếu đã chiết khấu sâu.

Các chỉ báo kỹ thuật thể hiện động lượng giá tuân thủ nghiêm ngặt đường hỗ trợ xu hướng trong quý II/2022. Động lượng RSI luôn bật lên trong mỗi thời điểm chạm ngưỡng hỗ trợ và điều này thật sự tích cực, cho thấy thị trường có lực đỡ từ các vị thế mua thấp. Nhưng một lần nữa, yếu tố thanh khoản vẫn là điểm trừ cho nỗ lực tăng của VN30. Nếu bỏ qua thời điểm Fed ra tin về lãi suất, có thể thanh khoản chưa tăng như kỳ vọng.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Mua thấp, bán cao trong vùng tích lũy

Trên sàn phái sinh, vận động của giá hợp đồng VN30F1M gần như đã khắc phục được trạng thái tiêu cực dài hạn khi tạo nền thành công. Đồng thời, mức chênh (Basic) giữa giá hợp đồng phái sinh và chỉ số cơ sở được cải thiện khi mức vênh xoay quanh 5 điểm. Dựa vào vận động này, có thể thấy hai bên mua (Long) và bán (Short) đang khá cân bằng, đưa đồ thị giá VN30F1M bước vào mẫu hình răng cưa.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Về mặt kỹ thuật, vận động của VN30F1M duy trì trạng thái “hở Gap” - khoảng trống giá, trong hầu hết các phiên giao dịch. Thực tế, đây là trạng thái rủi ro giao dịch khá cao, khiến dòng tiền hạn chế nắm giữ các vị thế qua đêm. Nhưng với khả năng mẫu hình nến đang tạo đáy sau cao hơn đáy trước, có thể kỳ vọng về trạng thái tích lũy lành mạnh và xu hướng hồi phục dần quay trở lại.

Bên cạnh đó, bên Short cũng không còn quá “tự tin” khi nhìn vào sự vận động của Basis. Cụ thể, các mức vênh âm từ Basis có tín hiệu tạo phân kỳ dương với vận động từ giá. Ngoài ra, chỉ báo động lượng RSI cung giờ ngắn hạn mặc dù đã chạm ngưỡng cảnh báo quá bán, nhưng giá không giảm quá nhiều sau đó. Mặc dù vậy, với bản chất của thị trường răng cưa không thể hiện rõ xu hướng tăng hay giảm, các yếu tố bất ngờ với chỉ số có thể xảy ra.

Do vậy, nhà đầu nên cân nhắc mua thấp, bán cao trong biên độ ở tuần giao dịch mới. Trường hợp giá quay về lấp lại vùng hỗ trợ phản ứng giá 1.220 điểm, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua lên với mục tiêu giá trên 1.245 điểm, là vùng kháng cự đỉnh cũ. Trong trường hợp giá không giữ được trạng thái phục hồi này, chiến lược bán theo xu hướng nên được áp dụng khi giá có dấu hiệu tăng rướn tại vùng nền 1.230 điểm.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục