Chứng khoán phái sinh: Khởi động cuộc đua thị phần 2018

(ĐTCK) Năm 2017, Top 3 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần cao nhất trên thị trường chứng khoán phái sinh đã “gọi tên” SSI, HSC, VNDIRECT, với tổng thị phần trên 70%. Điều này không nằm ngoài dự báo của thị trường. Câu hỏi hiện tại đặt ra là, bức tranh thị phần môi giới hợp đồng tương lai năm 2018 liệu có sự thay đổi, khi có thêm nhiều CTCK khác tham gia thị trường chứng khoán phái sinh?
Với sức hấp dẫn của chứng khoán phái sinh, sự tham gia mới của nhiều CTCK vào thị trường này là điều chắc chắn Với sức hấp dẫn của chứng khoán phái sinh, sự tham gia mới của nhiều CTCK vào thị trường này là điều chắc chắn

Mỗi CTCK có một hướng riêng

Năm 2017, CTCK TP. HCM (HSC) đứng ở vị trí thứ 2 về thị phần môi giới hợp đồng tương lai với 22,57%. Tuy nhiên, thay vì lao vào cuộc đua để giành ngôi “dẫn đầu”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, Công ty đang tập trung cho việc phát triển lõi sản phẩm.

Cụ thể, HSC đang triển khai phương thức giao dịch mới, đó là cho khách hàng trải nghiệm giao dịch trên hệ thống giao dịch giả lập với sản phẩm hợp đồng tương lai. Đây là phần mềm giao dịch giả lập giúp nhà đầu tư có thể làm quen giao dịch hợp đồng tương lai theo dữ liệu thực tế trên thị trường, nhất là khi sẽ có nhiều hơn các sản phẩm hợp đồng tương lai cho khách hàng lựa chọn như hợp đồng tương lai trên chỉ số, trên trái phiếu, chứng quyền có tài sản đảm bảo (CW)…

“Trong năm 2017, hoạt động giao dịch phái sinh tại HSC diễn ra sôi nổi, hiệu quả, mang về nguồn thu lớn. Điều này đối với Công ty còn quan trọng hơn thị phần”, ông Giang nói và cho biết thêm, việc gia tăng thị phần quan trọng, nhưng phải dựa trên thực tế thị trường, không phải chạy đua bằng mọi giá.

Việc “hô hào” nhà đầu tư mở tài khoản chưa hẳn là một chiến lược hiệu quả bằng việc tư vấn cho nhà đầu tư tham gia giao dịch và khó khăn hơn là tư vấn đúng để nhà đầu tư có lãi

- Ông Trịnh Hoài Giang, 
Phó tổng giám đốc HSC

Là 1 trong 2 thành viên bù trừ chung của thị trường, CTCK Sài Gòn (SSI) hiện đang dẫn đầu về thị phần môi giới hợp đồng tương lai với 28,28%.

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh tài chính, kiêm Giám đốc dự án phái sinh SSI cho biết, Công ty luôn đòi hỏi cao nhất về chất lượng sản phẩm, chất lượng đội ngũ và hệ thống công nghệ. "Khi đặt trọng tâm vào khách hàng thì thị phần, doanh thu… là yếu tố tất yếu sẽ tới", bà Hương nói.

Trong khi đó, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Cấu trúc sản phẩm, CTCK VNDIRECT cho biết, trong chiến lược nâng cao tỷ trọng thị phần đối với chứng khoán phái sinh, VNDIRECT sẽ tiếp tục mở rộng tệp khách hàng phái sinh từ các khách hàng đã mở tài khoản tại VNDIRECT, cũng như khách hàng tại những công ty chứng khoán chưa triển khai nghiệp vụ phái sinh, bởi tỷ lệ này hiện tại vẫn còn rất thấp. Theo đánh giá của VNDIRECT, tiềm năng đối với thị trường phái sinh trong tương lai rất lớn và thành công sẽ đến với các công ty chứng khoán biết nắm bắt cơ hội.

Thực tế, thị trường chứng khoán phái sinh mới đi vào hoạt động gần 5 tháng qua nên còn rất nhiều nhà đầu tư chưa tham gia thị trường này. Chưa kể, số lượng nhà đầu tư tham gia còn rất thưa thớt. Trong 7 CTCK triển khai sản phẩm phái sinh, số lượng tài khoản mở mới tăng không quá nhiều và lớp nhà đầu tư mới giao dịch trên thị trường không lớn.

Thành phần tham gia giao dịch chủ yếu vẫn là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường (môi giới, các nhà đầu tư lâu năm…).

Do vậy, theo HSC, nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức như nhà quản lý quỹ, tổ chức nước ngoài thì thanh khoản thị trường sẽ tăng cao, không bị một số nhà đầu tư đẩy/kéo quá xa so với chỉ số cơ sở.

Để làm được điều này, cần có những cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia vào thị trường phái sinh, cải thiện quy mô thị trường.

Với tỷ trọng thị phần 11,37%, CTCK MB (MBS) cho biết, Công ty chỉ mới trải qua giai đoạn “làm quen” với thị trường bởi chặng đường còn dài, sẽ có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, MBS chia sẻ, Công ty sẽ tiếp tục có những buổi đào tạo, chia sẻ kiến thức đến nhà đầu tư trong năm 2018, bởi đây là điều quan trọng cần làm sớm.

Chưa kể, theo MBS, hiện nay, miếng ghép còn thiếu đối với thị trường hợp đồng tương lai là hoạt động tạo lập thị trường và hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) nhằm làm ổn định biên độ chênh lệch giá theo thời gian thực giữa thị trường hợp đồng tương lai và thị trường cơ sở.

Thực tế, nhà đầu tư trên thị trường phái sinh, với mức độ sử dụng đòn bẩy cao và khả năng cắt lỗ nhanh do được giao dịch trong ngày, hay có tâm lý lạc quan hoặc lo sợ thái quá, dẫn tới việc chênh lệch giữa thị trường hợp đồng tương lai và thị trường cơ sở có lúc lên tới 2% đến 4% - mức chênh lệch lớn với một thị trường tài chính hiệu quả.

Sẽ có sự tham gia của các “nhân tố” mới

Ngoài 7 CTCK đang tham gia cung cấp dịch vụ phái sinh, một số CTCK khác như CTCK Vietcombank, CTCK Vietinbank, CTCK ACB… cho biết cũng đang hoàn tất thủ tục để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2018.

Theo đánh giá của ông Trịnh Hoài Giang, nhiều CTCK tham gia cung cấp dịch vụ phái sinh là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy tiềm năng của thị trường rất tốt. Miếng bánh chia nhỏ ra nhưng quy mô của thị trường tăng lên thì mỗi CTCK vẫn sẽ có “đất diễn” riêng, quan trọng là làm sao quản lý được rủi ro, mang lại giá trị cao hơn cho khách hàng và cho chính mình.

HSC cũng chia sẻ thẳng thắn, trong thời gian đầu giao dịch hợp đồng tương lai, gần như rất ít khách hàng có lãi, nguyên nhân là nhà đầu tư vẫn chưa nắm chắc khái niệm về sản phẩm, chưa định giá được hợp đồng tương lai và gần như không có định hướng, nguyên tắc đầu tư.

Đối với quy mô khách hàng, ông Giang cho biết, hiện nay số lượng tài khoản nhà đầu tư giao dịch chứng khoán phái sinh tại HSC khoảng trên 1.000 tài khoản, nhưng số lượng tài khoản không quan trọng bằng lượng tài khoản giao dịch thực tế. 

"Việc “hô hào” nhà đầu tư mở tài khoản chưa hẳn là một chiến lược hiệu quả bằng việc tư vấn cho nhà đầu tư tham gia giao dịch và khó khăn hơn là tư vấn đúng để nhà đầu tư có lãi", ông Giang nói.

Trong khi đó, nhìn thực tế về giao dịch phái sinh, ông Nguyễn Tuấn Cường cho rằng, 7 CTCK tham gia cung cấp dịch vụ phái sinh như hiện nay đã tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, phí giao dịch. Tuy nhiên, thị trường phái sinh được đánh giá có triển vọng phát triển rất tích cực nên dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường, cùng với đó là các CTCK cung cấp dịch vụ phái sinh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh này, các CTCK cần lưu ý rằng, chứng khoán phái sinh có độ rủi ro khá cao. Do vậy, để được tham gia thị trường, CTCK cần phải đảm bảo đủ nguồn vốn, cũng như sở hữu nhân sự, hệ thống chuyên nghiệp, công nghệ tốt.

Với sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán phái sinh, sự tham gia mới của nhiều CTCK vào thị trường này là điều chắc chắn. Mới đây, lãnh đạo CTCK Vietcombank cho biết, Công ty đã hoàn tất thủ tục nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng để tham gia thị trường phái sinh, đồng thời đang hoàn thiện quy chế giao dịch chứng khoán phái sinh.

Với kinh nghiệm đúc kết trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán cơ sở, Công ty đã lên kế hoạch triển khai đào tạo cho nhà đầu tư về thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới.    

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục