Chứng khoán phái sinh tuần qua: Lộc đầu năm!

(ĐTCK) Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2018 (2 - 5/1), TTCK phái sinh mang lại lợi nhuận trung bình 3 triệu đồng/hợp đồng cho các nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua (so với số tiền đầu tư khoảng 14 triệu đồng/hợp đồng).
Chứng khoán phái sinh tuần qua: Lộc đầu năm!

Tuần qua, thị trường có 4 phiên giao dịch, chỉ số VN30 lần lượt tăng 17,2 điểm, 11,94 điểm, 9,49 điểm, riêng phiên cuối tuần giảm 6,42 điểm. Tính chung cả tuần, VN30 tăng 32,21 điểm (+3,3%), điểm số hiện tại là 1.007,73 điểm.

Theo đó, giá các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tuần qua tăng từ 26,3 - 32,8 điểm, mang lại mức lãi từ 2,63 - 3,28 triệu đồng/hợp đồng.  

Mức tăng/giảm giá của các mã chứng khoán phái sinh và VN30

Ngày

VN30F1801

VN30F1802

VN30F1803

VN30F1806

VN30

2/1

19,0

18,0

16,0

16,5

17,20

3/1

13,8

14,5

12,4

9,0

11,94

4/1

11,1

12,5

5,6

8,0

9,49

5/1

-11,9

-12,2

-6,0

-7,2

-6,42

Tổng

32,0

32,8

28,0

26,3

32,21

Diễn biến chỉ số VN30 trong 2 phiên đầu tuần (2 và 3/1) nhìn chung là khả quan, ít có những đợt điều chỉnh giảm trong phiên, nên cơ hội lướt sóng ít và cơ hội thu lợi chủ yếu dành cho nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua khi điểm số có diễn biến tăng là chủ đạo.

Chứng khoán phái sinh tuần qua: Lộc đầu năm! ảnh 1

 Diễn biến chỉ số VN30 trong 3 tháng qua.

Phiên 4/1, cơ hội lướt sóng nhiều hơn, dù mức độ biến động giá của hợp đồng có tính thanh khoản lớn nhất (mã VN30F1801, ngày giao dịch cuối cùng là 18/1) giảm so với 2 phiên trước. Hợp đồng này có khối lượng giao dịch chiếm từ 93 - 94% toàn thị trường.

Trong cả 3 phiên giao dịch trên, không có thời điểm nào chỉ số VN30 giảm dưới tham chiếu; giá các hợp đồng tương lai cũng vậy, riêng hợp đồng đáo hạn tháng 2 có thời điểm giảm nhẹ trong phiên sáng 4/1.

Giá thanh toán cuối ngày của các mã chứng khoán phái sinh và VN30

Ngày

VN30F1801

VN30F1802

VN30F1803

VN30F1806

VN30

2/1

999,0

1.003,0

1.011,0

1.034,0

992,72

3/1

1.012,8

1.017,5

1.023,4

1.043,0

1.004,66

4/1

1.023,9

1.030,0

1.029,0

1.051,0

1.014,15

5/1

1.012,0

1.017,8

1.023,0

1.043,8

1.007,73

Mức tăng khá cao trong 3 phiên đầu tuần, cộng với diễn biến giảm dần mức tăng của chỉ số VN30 cũng như giá các mã phái sinh khiến nhà đầu tư có tâm lý thận trọng khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần (5/1). 

Mở cửa phiên 5/1, hợp đồng đáo hạn tháng 1 chỉ tăng 0,2 điểm, so với mức tăng 3,9 điểm trong phiên 2/1, tăng 3,5 điểm trong phiên 3/1, tăng 2 điểm trong phiên 4/1.

Chỉ số VN30 mở cửa tăng 0,27 điểm, rồi đột ngột lao dốc, mất hơn 9 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán phái sinh nhanh chóng bán ra, mã đáo hạn tháng 1 giảm gần 12 điểm.

Ngay lập tức, lực mua bắt đáy tăng mạnh khiến chỉ số cũng như giá chứng khoán phái sinh bật tăng gần chạm mức tham chiếu. Sau đó, cơ hội lướt sóng liên tục diễn ra, bám sát diễn biến của VN30, dù thị trường chìm trong sắc đỏ.

Mức biến động giá trong phiên của chứng khoán phái sinh*

Ngày

VN30F1801

VN30F1802

VN30F1803

VN30F1806

VN30

2/1

18,2

17,0

14,0

16,5

17,23

3/1

13,2

13,6

12,4

13,5

16,10

4/1

11,1

15,0

6,1

8,0

7,21

5/1

18,0

18,5

17,7

35,5

9,32

* Giá cao nhất trừ giá thấp nhất

“Giá phái sinh biến động nhanh và mạnh, nếu không bình bĩnh thì nhà đầu tư lướt sóng rất dễ rơi vào tình trạng mua cao, bán thấp và ngược lại”, một nhà đầu tư nhận xét về phiên giao dịch cuối tuần.

Theo nhà đầu tư này, nhận định phiên cuối tuần sẽ điều chỉnh nên anh mở vị thế bán, nhưng có lãi là anh lập tức mua vào để đóng vị thế. Sáng 5/1, có 2 thời điểm VN30 tưởng chừng sẽ vượt lên trên tham chiếu, khiến giá các mã phái sinh tăng nhẹ so với tham chiếu. Đầu phiên chiều, diễn biến giảm dần mức giảm của chỉ số khiến vị thế bán cũng trở nên mong manh. Nhưng khoảng giữa phiên chiều, VN30 liên tục giảm nhanh, khiến giá phái sinh giảm xuống mức thấp nhất trong phiên.  

“Bình thường, giá giảm mạnh sau vài phiên tăng là tôi mở vị thế bán, nhưng lần này, tôi rất muốn mở vị thế mua. Tuy nhiên, thứ Hai tới (8/1), tôi có việc, không thể theo dõi thị trường, nên quyết định đứng ngoài. Nếu mở vị thế mua trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC thì tôi đã lãi ngay khoảng 4 điểm, bởi giá đóng cửa ở mức cao hơn”, nhà đầu tư cho biết.

Chênh lệch giá phái sinh so với VN30

Ngày

VN30F1801

VN30F1802

VN30F1803

VN30F1806

VN30

2/1

6,28

10,28

18,28

41,28

992,72

3/1

8,14

12,84

18,74

38,34

1.004,66

4/1

9,75

15,85

14,85

36,85

1.014,15

5/1

4,27

10,07

15,27

36,07

1.007,73

Thực tế, trước khi hệ thống khớp lệnh xác định giá đóng cửa trong phiên cuối tuần, lượng mua với giá ATC (đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chấp nhận khả năng mua ở mức giá trần) liên tục tăng, đạt hơn 500 hợp đồng, gần bằng tổng khối lượng khớp trong phiên ATC nhiều phiên trước đó.

Diễn biến này cho thấy, không ít nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt, khối lượng hợp đồng mở (OI) tăng thêm hơn 600 hợp đồng, đạt 9.680 hợp đồng, cao nhất từ trước tới nay, báo hiệu dòng tiền mới đang gia tăng.  

Khối lượng và giá trị giao dịch chứng khoán phái sinh

Ngày

Khối lượng (hợp đồng)

Giá trị (tỷ đồng)

Khối lượng hợp đồng mở (OI)

2/1

12.006

1.186,1

8.282

3/1

17.340

1.750,5

8.400

4/1

14.826

1.509,9

8.950

5/1

17.361

1.764,3

9.680

“Thời gian qua, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường lo ngại rủi ro khi thấy thị trường liên tục tăng, nên đa số thực hiện chiến lược lướt sóng, hiện thực hóa lợi nhuận ngay trong phiên. Giá phái sinh tăng cả chục điểm/phiên, nhưng nhà đầu tư chỉ lãi vài điểm, vì chốt lãi sớm, không nắm giữ vị thế mua lâu hơn.

Hiện tại, thị trường có vẻ như cần thêm một vài phiên điều chỉnh để tạo tâm lý an toàn cho bên mua, nhưng mốc 1.000 điểm của chỉ số nhiều khả năng sẽ hỗ trợ thị trường.

Trong khi đó, dòng tiền lớn vẫn đang giao dịch tích cực, tranh thủ những đợt giảm là tăng mua. Giống như phiên cuối tuần qua, trong tuần mới sẽ có những cơ hội cho nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán trong phiên, nhưng tôi cho rằng, nắm giữ vị thế mua vẫn sẽ an toàn hơn”, môi giới tại một công ty chứng khoán chia sẻ.

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục