Chứng khoán Mỹ tăng 16%, liệu có nên chốt lời?

(ĐTCK) Mới tới tháng 4, nhưng chỉ số S&P 500 đã tăng 16%, hoàn toàn hồi phục sau 2 lần lao dốc. Đối với các nhà quản lý quỹ, nhà đầu tư, vốn đã khốn đốn trong 3 tháng qua ở hố sâu nhất 1 thập kỷ qua, liệu đã tới lúc quyết định “ôm tiền” rút lui?
Chứng khoán Mỹ tăng 16%, liệu có nên chốt lời?

Giới đầu tư luôn có 3 sự lựa chọn: Mua, bán hoặc nắm giữ, nhưng lại không dễ dàng để đưa ra quyết định, bởi các rủi ro khó phán đoán. Hiện tại, thị trường mới giao dịch 71 phiên và chỉ số S&P 500 đã có khởi đầu một năm tốt nhất trong 2 thập kỷ qua. Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng động thái nâng lãi suất, đồng nghĩa với việc môi trường lãi suất vẫn đang ở mức thấp trong thời gian tới. Ðây là các yếu tố tuyệt vời để tiếp tục đặt niềm tin vào đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, tỷ suất sinh lời trên thị trường giảm xuống, cổ phiếu được định giá ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và nhiều vấn đề địa chính trị ở tình trạng rắc rối, khó tìm hướng giải quyết. Với các nhà đầu tư và chuyên gia vẫn còn bị “ám ảnh” bởi diễn biến thị trường năm 2018, đây là các yếu tố rất đáng để cân nhắc.

Trước tiên, lợi nhuận thu về trên thị trường chứng khoán vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, các chuyên gia phố Wall đã đồng loạt dự báo lợi nhuận trên thị trường đã giảm xuống 4% trong quý I/2019 và nhiều khả năng không hồi phục cho tới cuối năm.

“Mọi người đều biết chúng ta đang trong màn sương của quá trình tăng trưởng kinh tế chậm lại. Có nhiều bằng chứng cho thấy, tỷ suất sinh lời trên thị trường đang ở mức đáy và xu hướng này tiếp tục trong quý I”, Ed Campbell, Giám đốc và nhà quản lý quỹ tại QMA cho biết.

Trong khi đó, tâm lý thị trường cũng chưa hoàn toàn tích cực. Hiện tại, một trong những động lực cổ vũ giới đầu tư là việc Fed có những bước đi chậm hơn trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Tuy nhiên, yếu tố này không thể hiện rõ ràng trong việc nâng đỡ đà tăng của chỉ số.

“Thị trường chứng khoán đang trong tình trạng đắt đỏ. Ða phần đà tăng tới từ sự lạc quan của giới đầu tư đối với các chính sách mới, thay vì yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Do đó, tôi không nghĩ đà tăng có thể tiếp tục một cách bền vững cho tới cuối năm”, Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại Jones Trading cho biết.

Ðáng chú ý, một số vấn đề đang phủ bóng đen bao trùm lên các thành viên thị trường là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit… Ðây vốn không phải bài toán dễ giải quyết và mọi diễn biến theo hướng tiêu cực đều có thể khiến thị trường dậy sóng.

Jeremy Siegel, giáo sư Wharton School, tác giả cuốn sách “Stock for the Long run” nhận định, thị trường chứng khoán Mỹ đang có P/E ở mức 19 lần, trở nên đắt đỏ. Trong thời điểm này, giới đầu tư sẽ dồn sự chú ý sang các tin tức về Mỹ - Trung, thay vì đào sâu hơn vào thị trường.

“Nếu các cuộc đàm phán thất bại, hoặc hàng rào thuế quan vẫn tiếp tục được dựng lên, đây sẽ là mối đe dọa lớn nhất với thị trường chứng khoán. Trong trường hợp này, thị trường có thể giảm 20% hoặc hơn”, Siegel nói và cho biết thêm, sự kết hợp giữa tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đồng bạc xanh mạnh hơn cũng tạo ra rủi ro rất lớn đối với thị trường.

Tất nhiên, các rủi ro là luôn hiện hữu đối với nhà đầu tư và không phải vị chuyên gia nào cũng tỏ ra dè chừng. Phil Orlando, chiến lược gia trưởng thị trường chứng khoán tại Federated Investors Inc cho rằng, ông kỳ vọng chứng khoán sẽ tăng mạnh hơn nữa, vào khoảng 50% so với mức đáy năm ngoái.

“Bạn không thế khiến mọi thứ rối tung trong khi ánh mặt trời vẫn tươi sáng ngoài kia. Thị trường có thể sẽ điều chỉnh, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để chốt lời cho tới mùa xuân năm sau”, Orlando cho biết.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục