Nhận tin tốt, phố Wall vẫn giảm điểm

(ĐTCK) Nhận thông tin tích cực từ GDP quý I của Trung Quốc, cũng như kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn khả quan, nhưng phố Wall vẫn đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư (17/4).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Dù dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc và kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa được công bố, giúp nhà đầu tư phấn chấn, nhưng nhóm cổ phiếu y tế sụt giảm đã khiến phố Wall chỉ giằng co nhẹ trong phiên thứ Tư và đóng cửa giảm nhẹ, gần như không đổi.

Trong phiên thứ Tư, nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe có phiên giảm mạnh nhất 4 tháng, mất 2,9% do lo ngại những quy định mới đang được Quốc hội Mỹ thỏa luận.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Dow Jones giảm 3,12 điểm (-0,01%), xuống 26.449,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,61 điểm (-0,23%), xuống 2.900,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,15 điểm (-0,05%), xuống 7.996,08 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng tốt để giữ mức cao nhất 8 tháng sau dữ liệu GDP quý I khả quan của Trung Quốc, hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ô tô.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,40 điểm (+0,02%), lên 7.471,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,75 điểm (+0,43%), lên 12.153,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 34,43 điểm (+0,62%), lên 5.563,09 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng nhờ dữ liệu GDP quý I của Trung Quốc tốt hơn dự kiến với mức tăng 6,4%, cũng như kỳ vọng tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh, thậm chí chứng khoán Hồng Kông còn đóng cửa gần như không đổi khi nhà đầu tư không tin kết quả mới tạo ra bước ngoặt bền vững cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 56,31 điểm (+0,25%), lên 22.277,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,52 điểm (+0,29%), lên 3.263,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,19 điểm (-0,01%), xuống 30.124,687 điểm.

Giá vàng gần như đi ngang trong suốt phiên giao dịch thứ Tư và đóng cửa giảm nhẹ khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trên cả thị trường chứng khoán và kim loại quý.

Kết thúc phiên 17/4, giá vàng giao ngay giảm 2,9 USD (-0,22%), xuống 1.273,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.276,8 USD/ounce.

Giá dầu thô lại lặp lại điệp khúc một phiên tăng, một phiên giảm trong tuần này. Sau khi tăng 1% trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã quay đầu giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố cho thấy, tồn kho tuần trước giảm ít hơn dự kiến.

Cụ thể, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ hôm thứ Tư cho biết, kho dự trữ tuần trước giảm 1,4 triệu thùng, chỉ bằng một nửa so với mức giảm được Viện Dầu khí công bố trước đó 1 ngày.

Kết thúc phiên 17/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,29 USD (-0,45%), xuống 63,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,10 USD (-0,14%), xuống 71,62 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục