Chứng khoán Mỹ rớt thảm hại, S&P 500 lao đáy khủng hoảng năm 2008

Dịch Covid-19 phủ mây đen lên thị trường chứng khoán Mỹ khi cả 3 chỉ số lớn có tuần giao dịch lao dốc còn riêng chỉ số S&P 500 lao đáy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trên sàn chứng khoán New York, nhóm cổ phiếu giảm điểm chiếm ưu thế so với nhóm tăng điểm theo tỷ lệ 3,39 - 1, còn trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,95 - 1. Ảnh: AFP Trên sàn chứng khoán New York, nhóm cổ phiếu giảm điểm chiếm ưu thế so với nhóm tăng điểm theo tỷ lệ 3,39 - 1, còn trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,95 - 1. Ảnh: AFP

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bị “vùi dập” khi dịch Covid-19 lan rộng hơn trong ngày 28/2 khi 6 quốc gia ở 4 châu lục khác nhau ghi nhận các ca nhiễm virus đầu tiên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo rủi ro lên rất cao.

“Để xác định được tín hiệu thị trường, cần có bằng chứng rõ ràng rằng dịch bệnh được kiểm soát, không bùng nổ thêm ở các quốc gia khác và không lan rộng ở Mỹ”, Jack Janasiewicz, chuyên gia tư vấn danh mục đầu tư của công ty quản lý tài sản Natixis Investment Manager. Chuyên gia này cảnh báo sự lây lan của Covid-19 là lời nhắc nhở đối với các khoản đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn.

Tính cả phiên giao dịch 28/2, chỉ số S&P 500 đã hứng chịu phiên lao dốc thứ 7 liên tiếp và chạm đáy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong khi 2 chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cũng chịu cảnh sụt giảm sâu nhất trong tuần kể từ tháng 10/2008.

Nasdaq Composite đêm qua gượng tăng 0,01% khi trước đó rớt sâu 3,5% còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones sau khi “bốc hơi” hơn 1.000 điểm (tương đương 4.2%) đã kịp hồi nhẹ để mức giảm chốt phiên còn 1,4%.

Chỉ số CBOE trên thị trường Mỹ - thước đo kỳ vọng biến động của thị trường - đã kết thúc ngày giao dịch ở mức thấp khi chỉ nhích thêm 0,95 điểm lên 40,11. Trước đó, CBOE tăng tới 49,48 điểm.

Trong 11 nhóm cổ phiếu thuộc rổ S&P 500, chỉ số tài chính SPSY - được xem là chỉ số lèo lái rổ S&P 500 - đóng phiên giảm 2,6%. Nhóm cổ phiếu đồ dùng tiện ích rớt điểm mạnh nhất trong rổ S&P 500 với mức sụt giảm 3,3%, trong khi cổ phiếu bất động sản và ngành hàng tiêu dùng - 2 nhóm cổ phiếu được xem như tài sản trú ẩn an toàn lúc thị trường "giông bão" - đều trượt hơn 2%.

Ngay sau giờ mở cửa, hợp đồng tương lai E-mini S&P 500 tăng khoảng 1% và còn chứng chỉ quỹ ETF Invesco QQQ Trust, vốn bám sát chỉ số Nasdaq-100, bật tăng 1,3% trong giờ giao dịch kéo dài.

Trong phiên giao dịch 27/2, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều rơi vào vùng điều chỉnh sau khi sụt giảm hơn 10% so với mốc tăng điểm gần nhất. Trên sàn chứng khoán New York, nhóm cổ phiếu giảm điểm vẫn chiếm ưu thế so với nhóm tăng điểm theo tỷ lệ 3,39 - 1, còn trên sàn giao dịch chứng khoán điện tử lớn nhất nước Mỹ Nasdaq, tỷ lệ này là 1,95 - 1.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ phần nào được cứu vớt sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết các nền tảng cơ bản của kinh tế Mỹ vẫn mạnh và cơ quan này sẽ hành động phù hợp để hỗ trợ kinh tế.

Giới đầu tư trước đó dành phần lớn thời gian giao dịch để bán phá giá cổ phiếu và tìm đến trái phiếu kho bạc Mỹ với kỳ hạn 10 năm giảm kỷ lục lần thứ 4 trong tuần này. Giao dịch nhanh trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 19,31 tỷ cổ phiếu, tăng gấp đôi so với mức trung bình 9,25 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày qua.

Lê Quân (Reuters)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục