Chứng khoán lao dốc, giá vàng tăng vọt

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch thứ Ba, chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm mạnh do lo ngại về các chính sách cắt giảm thuế và tăng đầu tư của Tổng thống Mỹ sẽ gặp khó khăn, trong khi giá vàng nhận được thông tin hỗ trợ đã bứt mạnh lên mức cao nhất 3 tuần.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau 3 phiên lình xình trước đó, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư lo lắng các chính sách giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp khó khăn khi chính sách y tế thay thế chương trình Obamacare có thể không được thông qua.

Chính kỳ vọng về những chính sách giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Donald Trump đã giúp chứng khoán Mỹ có chuỗi tăng điểm ấn tượng và liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống. Do đó, khi những kỳ vọng này khó có thể sớm trở thành hiện thực, giới đầu tư đã thất vọng và đua nhau bán ra cổ phiếu để chuyển tới các kênh đầu tư an toàn hơn.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Dow Jones giảm 237,85 điểm (-1,14%), xuống 20.668,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,45 điểm (-1,24%), xuống 2.344,02 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 107,70 điểm (-1,83%), xuống 5.793,83 điểm.

Cùng mối lo với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ thông tin mới của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp khi ứng viên của phong trào “Nước Pháp tiến bước” Emmanuel Macron dành được những ưu thế trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình. Diễn biến mới này giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, qua đó hãm đà rơi của các chỉ số chính trong khu vực.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 51,47 điểm (-0,69%), xuống 7.378,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 90,77 điểm (-0,75%), xuống 11.962,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 9,73 điểm (-0,19%), xuống 5.002,43 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm ngay khi trở lại sau phiên nghỉ đầu tuần, xuống mức thấp nhất 1 tuần rưỡi do sự yếu kém của nhóm cổ phiếu tài chính khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại duy trì đà tăng, dù mức tăng khiêm tốn hơn so với phiên đầu tuần. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông lên mức cao nhất 20 tháng nhờ dòng tiền chảy mạnh từ đại lục và dấu hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu. Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hạ tầng, nhưng đà tăng bị hãm khi lo ngại những tín hiệu về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 65,71 điểm (-0,34%), xuống 19.455,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 91,13 điểm (+0,37%), lên 24.593,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,8 điểm (+0,33%), lên 3.250,81 điểm.

Việc nhà đầu tư bán mạnh trên thị trường chứng khoán và đồng USD giảm đã hỗ trợ cho giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba. Trong phiên thứ Ba, giá vàng đã nhảy vọt và đóng cửa ở mức cao nhất 3 tuần.

Kết thúc phiên 21/3, giá vàng giao ngay tăng 10,3 USD (+0,84%), lên 1.244,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 12,5 USD (+1,01%), lên 1.246,5 USD/ounce.

Dù đồng USD giảm mạnh, hỗ trợ cho các loại hàng hóa, trong đó có dầu thô, nhưng giá dầu thô trong phiên thứ Ba lại tiếp tục giảm mạnh do thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng mạnh.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 4,5 triệu thùng, lên 533,6 triệu thùng, mạnh hơn rất nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích là tăng 2,8 triệu thùng. Kho dự trữ dầu thô tại Cushing Oklahoma cũng tăng 2 triệu thùng. Nhập khẩu dầu thô của Mỹ tăng 615.000 thùng/ngày, lên mức 7,9 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, kho dự trữ xăng lại giảm 4,9 triệu thùng, mạnh hơn mức kỳ vọng giảm 2 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,88 USD/thùng (-1,86%), xuống 47,34 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,66 USD (-1,30%), xuống 50,96 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục