Phố Wall tiếp tục duy trì xu thế lình xình theo hướng giảm trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giống như 2 phiên giao dịch cuối tuần trước khi nhà đầu tư lo ngại chính sách giảm thuế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Donald Trump sẽ mất thời gian hơn dự kiến.
Những chính sách kinh tế của ông Trump có thể bị ảnh hưởng bởi những cao buộc của ông về việc chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại tại đại bản doanh tranh cử của ông hồi tháng 10 năm ngoái. Bên cạnh đó là những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bẩu cử Tổng thống Mỹ, cũng như sự tập trung của Đảng Cộng hòa về nỗ lực xây dựng một chính sách chăm sóc y tế mới thay thế cho Obamacare.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vừa diễn ra, ông James Comey, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát biểu rằng, không có bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố của ông Trump cáo buộc người tiền nhiệm nghe lén điện thoại. Trong khi đó, ông này xác nhận, FBI đang mở cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cuối năm ngoái.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones giảm 8,76 điểm (-0,04%), xuống 20.905,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,78 điểm (-0,20%), xuống 2.373,47 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,53 điểm (+0,01%), lên 5.901,53 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư thất vọng về kết quả cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 kết thúc cuối tuần trước tại Đức.
Sau cuộc họp này, G20 đã không đưa ra được thỏa thuận về tự do hóa thương mại và vấn đề khí hậu khi gặp phải sự phản đối từ Mỹ.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,85 điểm (+0,07%), lên 7.429,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,34 điểm (-0,35%), xuống 12.052,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,08 điểm (-0,34%), xuống 5.012,16 điểm.
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất 19 tháng nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng có phần bị hãm bớt do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi chính quyền một số địa phương tại Trung Quốc đưa ra các chính sách mới nhằm hạn chế đầu tư vào bất động sản sau khi giá nhà tăng trở lại trong tháng 2.
Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục khi sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ giúp thị trường tăng điểm, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản hãm lại đà tăng này.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 192,06 điểm (+0,79%), lên 24.501,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,5 điểm (+0,42%), lên 3.250,81 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong phiên đầu tuần mới.
Trong khi chứng khoán lình xình theo xu hướng giảm, thì giá vàng lại tiếp tục leo cao khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần do những lo ngại về việc Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong năm nay không còn. Đặc biệt là sau phát biểu của ông Charles Evans, Chủ tịch Fed Chicago nhắc lại quan điểm của Fed rằng, còn 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay, đúng như kế hoạch đưa ra từ trước.
Kết thúc phiên 20/3, giá vàng giao ngay tăng 5,1 USD (+0,42%), lên 1.233,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 5,1 USD (+0,42%), lên 1.234,0 USD/ounce.
Đồng USD giảm cũng hỗ trợ cho giá dầu tăng trong phiên châu Á. Tuy nhiên, bước vào phiên Mỹ, giá dầu thô đã quay đầu giảm trở lại trước nỗi lo về sản lượng dầu trong kho dự trữ cua Mỹ sẽ tăng mạnh.
Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,56 USD/thùng (-1,16%), xuống 48,22 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,27%), xuống 51,62 USD/thùng.