Chứng khoán, giá dầu hạ nhiệt, vàng tiếp tục tăng mạnh

(ĐTCK) Trong khi chứng khoán và giá dầu thô hạ nhiệt sau phiên khởi sắc hôm thứ Tư khi giới đầu tư phản ứng tích cực với quyết định của Fed, thì giá vàng vẫn duy trì đà tăng tốt nhờ đồng USD giảm.
 
Chứng khoán, giá dầu hạ nhiệt, vàng tiếp tục tăng mạnh

Sau phiên khởi sắc, phản ứng với quyết định tăng lãi suất như dự đoán, đồng thời không đưa ra dấu hiệu đẩy nhanh tốc độ tăng trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong phiên thứ tư, phố Wall đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm do tác động của nhóm cổ phiếu y tế do áp lực chốt lời của giới đầu tư khi nhóm cổ phiếu này là một trong những nhóm có mức tăng tốt nhất năm qua.

Chốt phiên thứ Năm, cả Dow Jones và S&P 500 đều đảo chiều giảm nhẹ, trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố, Nasdaq duy trì được đà tăng, nhưng mức tăng rất khiêm tốn.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones giảm 15,55 điểm (-0,07%), xuống 20.934,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,88 điểm (-0,16%), xuống 2.381,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,71 điểm (+0,01%), lên 5.900,76 điểm.

Trái với diễn biến của phố Wall, chứng khoán châu Âu trong phiên thứ Năm mới được “hưởng thụ” thông tin Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ sở như dự đoán, đồng thời không có dấu hiệu đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong năm nay đưa ra cuối phiên trước đó. Trong phiên thứ Năm, chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm với biên độ tăng mạnh hơn phiên trước đó.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 47,31 điểm (+0,64%), lên 7.415,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 73,31 điểm (+0,61%), lên 11.083,18 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,9 điểm (+0,56%), lên 5.013,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó, các thị trường chính trong khu vực châu Á cũng đồng loạt tăng điểm sau quyết định tăng lãi suất như dự đoán của Fed, đồng thời cơ quan này không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, đà tăng của Nikkei 225 rất khiêm tốn, trong khi chứng khoán Hồng Kông lên mức cao nhất 19 tháng, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đóng cửa ở mức cao nhất 14 tuần trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 12,76 điểm (+0,07%), lên 19.590,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 495,43 điểm (+2,08%), lên 24.288,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,18 điểm (+0,84%), lên 3.268,94 điểm.

Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm, phiên phục hồi mạnh thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 2 tuần lình xình theo xu hướng giảm trước đó do ảnh hưởng từ tâm lý của nhà đầu tư về cuộc họp của Fed. Giá vàng tăng trong phiên thứ Năm nhờ sự hỗ trợ của việc đồng USD giảm, cũng như lực cầu bắt đáy được duy trì.

Sau quyết định của Fed, đồng USD liên tiếp giảm mạnh và xuống mức thấp nhất hơn 15 tuần trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 16/3, giá vàng giao ngay tăng 6,1 USD (+0,5%), lên 1.225,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 7,5 USD (+0,62%), lên 1.227,1 USD/ounce.

Sau phiên tăng mạnh tốt ngày thứ Tư nhờ thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm sau 9 tuần tăng liên tiếp, giá dầu thô đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại. Dù kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước, nhưng mức giảm chỉ là 237.000 thùng và hiện kho dự trữ của nhà tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này vẫn ở mức cao kỷ lục.

Dù vậy, đà giảm bị hạn chế nhờ đồng USD giảm và thông tin Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khalid Al-Falih cho biết, việc cắt giảm sẽ được kéo dài nếu hàng tồn kho vẫn còn trên mức trung bình.

Kết thúc phiên 16/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,11 USD/thùng (-0,23%), xuống 48,75 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,14%), xuống 51,74 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục