Sau khi bị phát biểu của ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc sẽ không còn khả năng giảm lãi suất làm lu mờ, chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng gói kích thích kinh tế của ECB đã được giới đầu tư coi trọng trở lại trong phiên cuối tuần.
Ngoài ra, giá dầu thô hồi phục trở lại cũng giúp phố Wall hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Dow Jones tăng 218,18 điểm (+1,28%), lên 17.213,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,62 điểm (+1,64%), lên 2.022,19 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 86,31 điểm (+1,85%), lên 4.748,47 điểm.
Phiên tăng mạnh cuối tuần đã giúp phố Wall lấy lại được hết những gì đã mất trước đó để có được tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,21%, chỉ số S&P 500 tăng 0,11% và chỉ số Nasdaq tăng 0,67%.
Tương tự chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư chứng khoán châu Âu cũng có nhìn nhận tích cực về chính sách mới của ECB vừa đưa ra hôm thứ Năm. Cùng với đó, giá dầu thô hồi phục cũng giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên cuối tuần, sau 2 phiên giảm khá mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 11/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 103,09 điểm (+1,71%), lên 6.139,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 332,98 điểm (+3,51%), lên 9.831,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 142,44 điểm (+3,27%), lên 4.492,79 điểm.
Phiên tăng mạnh cuối tuần cũng đã giúp một số chỉ số chính của châu Âu thoát khỏi tuần giảm điểm. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,96%, trong khi chỉ số DAX vẫn tăng 0,07% và chỉ số CAC 40 tăng 0,81%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính của khu vực cũng đồng loạt tăng điểm, trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 2 liên tiếp nhờ đồng yên giảm trở lại so với USD và giá dầu phục hồi. Chứng khoán Hồng Kông cũng phục hồi khá để bù đắp hết thiệt hại trong tuần.
Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 86,52 điểm (+0,51%), lên 16.938,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 215,18 điểm (+1,08%), lên 20.199,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5,58 điểm (+0,20%), lên 2.810,31 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,45% sau khi tăng mạnh 5,10% tuần trước, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,22%, sau khi tăng 3,86% tuần trước. Trong khi đó, nhờ phiên hồi phục cuối tuần, chỉ số Hang Seng lại tăng nhẹ 0,11% trong tuần qua, sau khi đã tăng 4,20% trong tuần trước.
Giá vàng đã có phiên điều chỉnh mạnh cuối tuần sau khi chạm mức cao gần 13 tuần trong phiên thứ Năm. Sau khi giảm mạnh trong phiên thứ Năm do phát biểu của ông Draghi, đồng USD đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến chính sách của ECB đưa ra hôm thứ Năm, khiến vàng đảo chiều giảm giá. Ngoài ra, áp lực chốt lời khi giá kim loại quý này lên mức cao nhất 13 tháng cũng khiến giá vàng đảo chiều giảm mạnh phiên cuối tuần và đánh mất hết thành quả có được trong tuần.
Kết thúc phiên 11/3, giá vàng giao ngay giảm 22,0 USD (-1,73%), xuống 1.250,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 21,7 USD (-1,71%), xuống 1.251,1 USD/ounce.
Phiên giảm mạnh cuối tuần đã phá hết nỗ lực trong phiên thứ Năm, khiế cả giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 4 cùng giảm trở lại 0,71% sau khi tăng mạnh 3,05% tuần trước. Như vậy, trong 4 tuần giao dịch gần nhất, giá vàng đã có 3 tuần giảm nhẹ và 1 tuần tăng mạnh.
Tuần tới, thị trường sẽ chờ đợi cuộc họp quan trọng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Ba và thứ Tư.
Trong cuộc khảo sát trực tuyến tuần này trên Kitco có 1.085 lượt nhà đầu tư tham gia. Trong đó, có 829 lượt người, chiếm 77% lạc quan về giá vàng trong tuần mới, 175 người, chiếm 16% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 81 người, tương đương 7% giữ quan điểm trung tính.
Còn trong cuộc khảo sát 34 chuyên gia, có 11 người trả lời. Trong đó, có 7 người, tương đương 64% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, 2 người, chiếm 18% dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm và 2 nhà phân tích, tương đương 18% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô đã nhanh chóng phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần, sau phiên giảm nhẹ trước đó nhờ sự hỗ trợ của đồng USD giảm và thông tin của Cơ quan năng lượng thế giới (IEA) cho rằng, thị trường có thể đã chạm đáy. IEA tin rằng, sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 750.000 thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn khoảng 25% so với mức 600.000 thùng/ngày như dự báo trước đây.
Trong khi đó, Goldman Sachs lại cho rằng, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh sẽ bù đắp cho việc sản lượng khai thác giảm trong nước.
Kết thúc phiên 11/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,85 USD (+2,25%), lên 38,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,34 USD (+0,85%), lên 40,39 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 7,71%, giá dầu thô Brent cũng tăng 4,31%. Đây là tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp của giá dầu thô Mỹ và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của giá dầu thô Brent.