Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, sự phục hồi khá mạnh của giá “vàng đen” đang tạo ra những điều chỉnh tích cực trên thị trường chứng khoán và giúp chỉ số S&P 500 (của Mỹ) tăng khoảng 10% chỉ trong chưa đầy 3 tuần qua.
Giá dầu phục hồi tích cực là do Bộ Năng lượng Mỹ mới công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu của nước này trong tuần trước chỉ tăng 3,9 triệu thùng, thấp hơn so với mức tăng 10,4 triệu thùng dầu ghi nhận trước đó. Ngoài ra, cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra ngày 10/3, đã góp phần hỗ trợ cho “vàng đen” giữa lúc xuất hiện những đồn đoán ECB sẽ công bố gói kích thích kinh tế bổ sung cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Thông tin về việc Mỹ sẽ giảm số lượng giàn khoan cũng tác động tích cực tới giá dầu. Cụ thể, Công ty Baker Hughes ngày 4/3 công bố số liệu cho thấy số lượng giàn khoan ở Mỹ trong một tuần vừa qua đã giảm 13 giàn, còn 489 giàn và là mức thấp nhất trong 6 năm gần đây. Bản thân các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới đang bắt đầu đàm phán để đạt được ngưỡng giá dầu mới là 50 USD/thùng, với mong muốn mở ra một trang mới cho thị trường hàng hoá.
Tại Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ New York hiện được giao dịch quanh ngưỡng 38 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn ba tháng qua; trong khi đó tại Anh, giá dầu Brent Biển Bắc được chào bán ở mức 41 USD/thùng. Điều này giúp cổ phiếu các công ty năng lượng được hưởng lợi lớn. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư tin rằng viễn cảnh xuống đáy của giá “vàng đen” đã lùi xa, song một câu hỏi lớn được đặt ra: Những đợt tăng giá dầu thô ở mức độ nào sẽ biến những hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán hiện nay trở thành tiêu cực?
Hiện tại, giá dầu tăng đang tạo ra các tác động dây chuyền có lợi cho phía nhà sản xuất: giá cao hơn đồng nghĩa gánh nặng nợ nần của các công ty năng lượng đã được giảm bớt, giúp củng cố thị trường đối với các loại trái phiếu doanh nghiệp rủi ro và kéo giá cổ phiếu lên.
Giá dầu thô tăng cũng giúp xoa dịu nguy cơ giảm phát toàn cầu, thường trùng hợp với những đợt biến động rộng hơn của thị trường hàng hóa và đồng USD yếu đi, những nhân tố giúp ích đáng kể cho các thị trường đang nổi. Cuối cùng, khi giá dầu đã thoát đáy, nó giúp giải tỏa nỗi lo về khả năng liệu những yếu kém trên thị trường hiện nay là do nhu cầu èo uột, cùng những rủi ro suy thoái gia tăng.
Tuy nhiên, Jim Paulsen, nhà chiến lược đầu tư tại Wells Capital Management, cho rằng giá dầu tăng lên khoảng 45 USD/thùng sẽ bắt đầu chuyển những dấu hiệu kinh tế tích cực sang trạng thái “những vấn đề lạm phát” tiềm ẩn. Nếu tỷ lệ lạm phát cơ bản của Mỹ vượt ngưỡng 2%, điều này sẽ lái những tranh cãi trong nội bộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo hướng rằng Chủ tịch Janet Yellen đã sẵn sàng triển khai thêm vài đợt tăng lãi suất mới trong năm nay.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius tại Goldman Sachs đã lên tiếng khuyến nghị các nhà đầu tư chuẩn bị về khả năng các đợt tăng lãi suất của Mỹ lặp lại trong những tháng tới. Ông chỉ ra rằng, thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, các điều kiện tài chính được củng cố, cùng viễn cảnh lạm phát cải thiện khi giá năng lượng tăng.
Tóm lại, ở mức trung bình 40 - 45 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) sẽ bắt đầu biến chuyển hiệu ứng tích cực đối với thị trường sang trạng thái “lạm phát tiềm ẩn”, qua đó giảm khả năng trợ lực với thị trường chứng khoán.