Vừa tạo niềm vui, Draghi đã nhanh chóng dập tắt hy vọng của giới đầu tư

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng gói định lượng như kỳ vọng giúp nhà đầu tư hứng khởi. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lầu bởi ngay sau đó, người đứng đầu ECB đã dội ngay gáo nước lạnh.
Giới đầu tư trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong phiên thứ Năm với thông tin từ châu Âu (Ảnh minh họa: AFP) Giới đầu tư trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong phiên thứ Năm với thông tin từ châu Âu (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán Mỹ trải qua phiên giao dịch đầy biến động với các thông tin tác động trái chiều liên tiếp được đưa ra, đặc biệt là quyết định của  ECB và sau đó là phát biểu của ông Daraghi, Chủ tịch ECB.

Tuy nhiên, kết thúc phiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa gần như không đổi.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Dow Jones giảm 5,23 điểm (-0,03%), xuống 16.995,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,31 điểm (+0,02%), lên 1.989,57 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,22 điểm (-0,26%), xuống 4.662,16 điểm.

Đúng như kỳ vọng của thị trường, ECB trong cuộc họp hôm thứ Năm đã quyết định cắt giảm thêm 10 điểm cơ bản lãi suất huy động và cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 5 điểm cơ bản. Ngoài ra, ECB cũng mở rộng chương trình mua trái phiếu của mình. Quyết định trên của ECB đã giúp chứng khoán châu Âu đảo chiều tăng điểm sau những phút đầu lình xình chờ đợi. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch ECB, Mario Draghi cho biết, việc cắt giảm thêm lãi suất là khó, khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm mạnh trở lại khi chốt phiên. Ngoài ra, giá dầu thô điều chỉnh cũng gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 109,62 điểm (-1,78%), xuống 6.036,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 224,94 điểm (-2,31%), xuống 9.498,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 75,30 điểm (-1,70%), xuống 4.350,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sự phục hồi mạnh của giá dầu, cùng đồng yên giảm mạnh so với USD đã giúp chứng khoán Nhật Bản phục hồi mạnh trong phiên thứ Năm sau 3 phiên giảm nhẹ liên tiếp đầu tuần. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có phiên giảm mạnh, kéo chứng khoán Hồng Kông bị ảnh hưởng theo, chứng khoán đặc khu này cũng được hưởng lợi từ việc giá dầu thô tăng.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 210,15 điểm (+1,26%), lên 16.852,35  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 11,84 điểm (-0,06%), xuống 19.984,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 57,83 điểm (-2,02%), xuống 2.804,73 điểm.  

Trong phiên thứ Năm, quyết định của ECB khiến đồng USD tăng giá, tuy nhiên, sau phát biểu của ông Darghi, đồng USD đã đảo chiều giảm mạnh 2,5% so với rổ tiền tệ chung. Việc đồng USD giảm mạnh như một liều thuốc kích thích cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh vượt quan ngưỡng 1.270 USD/ounce trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất gần 13 tháng.

Kết thúc phiên 10/3, giá vàng giao ngay tăng 19,2 USD (+1,53%), lên 1.272,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 15,4 USD (+1,23%), lên 1.272,8 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, việc các nhà sản xuất lớn nhóm họp để tìm giải pháp ổn định giá dầu đã không nhận được sự cam kết của Iran, khiến giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, mức giảm không quá lớn khi giá dầu thô nhận được sự hỗ trợ từ việc đồng USD giảm mạnh so với rổ tiền tệ sau phát biểu của Chủ tịch ECB.

Cũng chính nhờ việc đồng USD giảm mạnh đã giúp giá dầu thô nhanh chóng hồi phục trở lại trong phiên sáng nay (11/3).

Kết thúc phiên 10/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,45 USD (-1,19%), xuống 37,84 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,02 USD (-2,55%), xuống 40,05 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục