Chứng khoán đồng loạt mất điểm sau dữ liệu của Trung Quốc

(ĐTCK) Dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 2 của Trung Quốc vừa công bố tiếp tục yếu kém, cùng với việc giá dầu thô đảo chiều giảm 3% đã khiến chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Giá vàng cũng không thể tận dụng được cơ hội để bứt phá khi chị áp lực chốt lời và đồng USD tăng.
Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Ba do tác động của giá dầu giảm và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Ba do tác động của giá dầu giảm và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP)

Sau khi thoát hiểm phiên thứ Hai, phố Wall đã không thể thực hiện được điều đó trong phiên thứ Ba, dù có lúc Dow Jones đã nỗ lực đảo chiều và về gần sát mốc tham chiếu.

Chứng khoán Mỹ trong phiên thứ Ba chịu sức ép từ việc giá dầu thô giảm 3%, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng sụt giảm. Ngoài ra, dữ liệu thương mại yếu kém của Trung Quốc được công bố cũng khiến nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu giảm mạnh. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cơ bản cũng chịu ản hưởng tiêu cực từ dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Dow Jones giảm 109,85 điểm (-0,64%), xuống 16.964,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,5 điểm (-1,12%), xuống 1.979,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 59,43 điểm (-1,26%), xuống 4.648,82 điểm.

Tương tự phố Wall, việc giá dầu giảm mạnh, cùng dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc cũng khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 1 tuần và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 56,96 điểm (-0,92%), xuống 6.125,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 86,11 điểm (-0,88%), xuống  9.692,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 38,27 điểm (-0,86%), xuống 4.404,02 điểm.

Theo dữ liệu vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 sụt giảm mạnh nhất trong 6 năm, trong khi nhập khẩu có tháng suy giảm thứ 16 liên tiếp. Dữ liệu này, cùng với việc đồng yên tăng mạnh so với đồng USD khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm, xuống mức thấp nhất gần 1 tuần trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp trong tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc lại bất ngờ đảo chiều và có sắc xanh nhạt trong phút cuối phiên.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 128,17 điểm (-0,76%), xuống 16.783,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 148,14 điểm (-0,73%), xuống 20.011,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,05 điểm (+0,14%), lên 2.901,39 điểm.  

Trên thị trường vàng, với dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố, thị trường chứng khoán Á, Âu đồng loạt giảm, giá vàng đã vọt tăng mạnh trong phiên thứ Ba trên thị trường châu Á và châu Âu, vượt qua ngưỡng 1.275 USD/ounce. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch Mỹ, việc đồng USD hồi phục, cùng áp lực chốt lời gia tăng đã khiến giá kim loại quý này đảo chiều.

Kết thúc phiên 8/3, giá vàng giao ngay giảm 6 USD (-0,47%), xuống 1.261,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 1,1 USD (-0,09%), xuống 1.262,9 USD/ounce.

Sau 6 phiên tăng liên tiếp, lập mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2016, giá dầu thô Brent, cũng như dầu thô Mỹ đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Ba khi nhiều thông tin tiêu cực với giá dầu được đưa ra.

Trong báo cáo mới công bố, Goldman Sachs cho biết, giá dầu thô cần phải thấp để ngăn chặn đà tăng của sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ. Nếu không, xu hướng tăng của giá dầu thô sẽ không bền vững và sẽ quay đầu lao dốc mạnh như mùa Xuân năm trước.

Trong khi đó, theo số liệu sơ bộ của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 4,4 triệu thùng trong tuần trước, lên mức cao kỷ lục mới. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, các nhà phân tích dự báo mức tăng thêm là 3,9 triệu thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng của Chính phủ Mỹ (EIA) sẽ phát hành dữ liệu kiểm kê chính thức vào thứ Tư.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc vừa được công bố cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu thô.

Các dữ liệu trên khiến đà tăng của giá dầu bị chặn lại và buộc giá nhiên liệu này quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba. Sau đó, dù thông tin Chính phủ Mỹ dự báo sản lượng dầu thô trong nước sẽ giảm 760.000 thùng mỗi ngày trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 740.000 thùng/ngày, nhưng giá dầu thô cũng không thể hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 8/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,4 USD (-3,7%), xuống 36,50 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất 3 tháng 38,39 USD/thùng trong phiên. Tương tự, giá dầu thô Brent cũng giảm 1,19 USD (-2,91%), xuống 39,65 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất năm 2016 trong phiên là 41,48%.

Dù suy giảm trong phiên thứ Ba, nhưng giá dầu thô Brent vẫn có mức tăng 46% so với mức đáy 27,1 USD/thùng của ngày 20/1/2016.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục