Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần nhờ dữ liệu việc làm vừa công bố làm lắng xuống những lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi cũng không quá lo lắng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Với phiên tăng điểm cuối tuần, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2015, chỉ số S&P 500 có chuỗi tăng liên tiếp 4 phiên, trong khi chi chỉ số Dow Jones cũng lần đầu tiên vượt trên ngưỡng 20.000 điểm kể từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 vẫn chưa thể chinh phục được mốc 2.000 điểm, dù chỉ cách mốc kháng cự tâm lý mạnh này chỉ một nhích chân.
Theo dữ liệu vừa công bố, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 242.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn mức kỳ vọng 190.000 việc làm của giới phân tích, tuy nhiên tiền lương lại thấp hơn và hiện môi quan tâm đang là ưu tiên kiềm chế lạm phát, nên khả năng Fed tăng lãi suất là khó xảy ra.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones tăng 62,87 điểm (+0,37%), lên 17.006,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,59 điểm (+0,33%), lên 1.999,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,6 điểm (+0,2%), lên 4.717,02 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,2%, chỉ số S&P 500 tăng 2,67% và chỉ số Nasdaq tăng 2,76%. Như vậy, phố Wall đã có 3 tuần tăng điểm ấn tượng liên tiếp và gần như đã lấy lại được toàn bộ những gì đã mất kể từ đầu năm.
Tương tự, những thông tin tích cực từ Mỹ cũng giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên cuối tuần và tiếp tục có tuần tăng ấn tượng.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 68,97 điểm (+1,13%), lên 6.199,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 72,25 điểm (+0,74%), lên 9.824,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,54 điểm (+0,92%), lên 4.456,62 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,70%, chỉ số DAX tăng 3,27% và chỉ số CAC 40 tăng 3,29%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khởi đầu không thuận lợi, chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều tăng trở lại trong phiên chiều và có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong tuần. Tuy nhiên, mức tăng trong phiên cuối tuần không lớn khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ. Đà tăng dài tuần qua cũng giúp chỉ số Nikkei 225 có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại phục hồi tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất 8 tuần sau phiên điều chỉnh trước đó. Chứng khoán Trung Quốc cũng duy trì đà tăng nhẹ dù trong phiên rung lắc khá mạnh.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 54,62 điểm (+0,32%), lên 17.014,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 234,94 điểm (+1,18%), lên 20.176,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 14,39 điểm (+0,50%), lên 2.874,15 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 5,10%, chỉ số Hang Seng tăng 4,20%, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,86% sau khi giảm 3,25% tuần trước.
Báo cáo việc làm tích cực của Mỹ đã khiến vàng đảo chiều giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng vẫn đang giao dịch quanh mức cao nhất 13 tháng. Và với những phiên tăng mạnh trong tuần qua, nhất là phiên thứ Năm khi đồng USD bị bán tháo, giá vàng đã tăng mạnh trở lại trong tuần này sau 2 tuần giảm nhẹ liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 4/3, giá vàng giao ngay giảm 4,8 USD (-0,38%), xuống 1.259,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 1,9 USD (+0,15%), lên 1.260,1 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 4 cùng tăng 3,05% sau 2 tuần giảm nhẹ liên tiếp trước đó.
Như vậy, các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ đã được công bố và tuần tới, nhà đầu tư trên thị trường vàng chỉ còn hướng đến động thái của các ngân hàng trung ương, mà quan trọng nhất là cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong cuộc khảo sát trực tuyến tuần này trên Kitco có 1.254 lượt nhà đầu tư tham gia. Trong đó, có tới 1.047 lượt người, chiếm 83% lạc quan về giá vàng trong tuần mới. Trong khi có 121 người, chiếm 10% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 86 người, tương đương 7% giữ quan điểm trung tính.
Còn trong cuộc khảo sát 34 chuyên gia, có 19 người trả lời. Trong đó, có 10 người, tương đương 53% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, 4 người, chiếm 21% dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm và 5 nhà phân tích, tương đương 26% giữ quan điểm trung lập.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ cũng giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên cuối tuần và duy trò đà tăng tốt tuần thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 4/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,35 USD (+3,91%), lên 35,92USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,65 USD (+4,45%), lên 38,72 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 9,58% sau khi đã tăng 10,59% tuần trước, giá dầu thô Brent cũng 10,31% sau khi hồi phục 6,33% tuần trước.