Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Ba, chứng khoán Mỹ đối mặt với chút thử thách trong phiên thứ Tư do áp lực chốt lời và giá dầu thô giảm trong phần lớn phiên giao dịch, nhưng dữ liệu kinh tế khả quan và giá dầu thô đảo chiều tăng trở lại đã giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm.
Nhóm cổ phiếu trợ giúp cho phố Wall tăng trong phiên thứ Tư là ngân hàng và năng lượng.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy, bảng lương trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ (ADP) tháng 2 có thêm 214.000 việc làm, cao hơn so với con số ước tính 200.000 của giới phân tích. Một dấu hiệu nữa cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng tốt, bất chấp những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và châu Âu.
Với các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan giúp chỉ số VIX - chỉ số đo lường sự sợ hãi của phố Wall trong phiên thứ Tư đã giảm xuống mức thấp nhất năm.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones tăng 34,24 điểm (+0,2%), lên 16.899,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,10 điểm (+0,41%), lên 1.986,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,83 điểm (+0,29%), lên 4.703,42 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư, dù mức tăng nhẹ hơn nhiều so với phiên trước và tác nhân giúp chứng khoán châu Âu duy trì sắc xanh là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 3,4% trong phiên này sau phát biểu của ông Benoit Coeure, thành viên HĐQT Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ngân hàng trung ương đã nhận thức được mức lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà băng.
Giới đầu tư suy luận rằng, phát biểu này như dấu hiệu cho thấy ECB sẽ có các giải pháp để hỗ trợ các ngân hàng trong cuộc họp chính sách tuần tới.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,82 điểm (-0,09%), xuống 6.147,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,46 điểm (+0,61%), lên 9.776,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,05 điểm (+0,41%), lên 4.424,89 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, tác động tích cực từ dữ liệu khả quan của kinh tế Mỹ, cũng như sự khởi sắc của chứng khoán Âu, Mỹ phiên trước đó, chứng khoán châu Á cũng có phiên khởi sắc trong ngày thứ Tư.
Dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ khiến đồng USD tăng mạnh so với đồng yên và qua đó giúp chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 4%, lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Tư.
Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng mạnh hơn 3% trong phiên này khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng tới hơn 4% và nhờ ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng hơn 4% mức tốt nhất 4 tháng trong phiên thứ Tư nhờ dòng tiền chảy ồ ạt vào nhóm cổ phiếu bất động sản khi thị trường địa ốc Trung Quốc đang có dấu hiệu nóng trở lại.
Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 661,04 điểm (+4,11%), lên 16.746,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 596,03 điểm (+3,07%), lên 20.003,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 116,51 điểm (+4,26%), lên 2.849,68 điểm.
Việc thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ suy yếu trong phiên thứ Tư giúp vai trò trú ẩn của vàng lại lên cao, qua đó giúp giá kim loại quý này hồi phục, lấy lại hết cả vốn, lẫn lãi đã mất trong phiên trước đó.
Ngoài ra, tin ồn về việc Ả Rập Xê út đang gặp rắc rối về tài chính cũng giúp vai trò trú ẩn của vàng được đẩy lên cao hơn. Cụ thể, một báo cáo trên thị trường cho biết, Ả Rập Xê út đang yêu cầu các ngân hàng cho vay 10 tỷ USD.
Kết thúc phiên 2/3, giá vàng giao ngay tăng 7,8 USD (+0,63%), lên 1.239,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 11 USD (+0,89%), lên 1.241,8 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, theo dữ liệu vừa được công bố của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dữ trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước (kết thúc ngày 26/2) tăng 10,4 triệu thùng, cao hơn con số 9,9 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ công bố phiên trước và cao hơn gấp 3 lần so với con số dự báo 3,6 triệu thùng của giới phân tích. Với mức tăng mạnh tuần qua, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng mạnh lên mức kỷ lục mới là 518 triệu thùng.
Dữ liệu về kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh đã gây sức ép lên giá loại nhiên liệu này, khiến giá dầu thô gần như giảm trong suốt phiên giao dịch trước khi bất ngờ đảo chiều vào cuối phiên và đóng cửa với mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,26 USD (+0,75%), lên 34,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,12 USD (-0,32%), lên 36,93 USD/thùng.