Ngoài thông tin kết quả kinh doanh khả quan của Citigroup, thị trường còn đón nhận những thông tin về nhiều thương vụ sáp nhập trong ngành y tế. Shire Plc, nhà phát triển và bán các loại thuốc để điều trị bệnh hiếm gặp đã nhận được lời đề nghị mua lại của AbbVie Inc hôm thứ Hai lên tới 31 tỷ bảng (tương đương 53 tỷ USD).
Trong khi đó, hãng dược Mylan cũng cho biết, sẽ mua lại thương hiệu thuốc gốc và cốt lõi của Abbott Laboratories kinh doanh ngoài nước Mỹ.
Sau những thông tin này, Phố Wall đã vọt tăng mạnh, chỉ số Dow Jones lấy lại được mốc 17.000 điểm, thậm chí chỉ số này có lúc leo lên mức cao nhất trong ngày là 17.088.43 điểm, cao hơn mức đóng cửa kỷ lục mọi thời đại 17.068,26 hôm 4/7.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones tăng 111,61 điểm (+0,66%), lên 17.055,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,53 điểm (+0,48%), lên 1.977,10 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 24,93 điểm (+0,56%), lên 4.440,42 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực trên, giúp nhà đầu tư bớt lo lắng hơn về sức khỏe của ngân hàng niêm yết lớn nhất Bồ Đào Nha, vốn là yếu tố khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh phiên thứ Năm tuần trước.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 55,97 điểm (+0,84%), lên 6.746,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 116,67 điểm (+1,21%), lên 9.783,01 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 33,54 điểm (+0,78%), lên 4.350,04 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã bật tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm điểm dài nhất kể từ sau chính sách “Abenomics” tháng 11/2012. Nikkei hồi phục do nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu nhỏ và vừa, cũng như đầu cơ vào chỉ số tương lai.
Không chỉ chứng khoán Nhật Bản, các thị trường chứng khoán các trong khu vực cũng có phiên giao dịch đầu tuần hứng khởi.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 132,78 điểm (+0,88%), lên 15.296,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 113,22 điểm (+0,49%), lên 23.346,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 19,69 điểm (+0,96%), lên 2.066,65 điểm.
Trái ngược với thị trường chứng khoán, sau khi có chuỗi ngay tăng ấn tượng và neo ở mức cao trong thời gian dài, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (14/7). Lệnh bán tháo bắt đầu tăng tốc khi thị trường Comex của Mỹ mở cửa, kéo giá kim loại quý lao dốc hơn 2,4% trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất gần 3 tuần.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá vàng còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa trong phiên giao dịch thứ Ba, thứ Tư, khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Janet Yallen có phiên điều trần trước Quốc hội. Nếu áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng, thì xu hướng tăng ngắn hạn của giá vàng sẽ chấm dứt và giá kim loại quý này sẽ dao động ở mức thấp trong một vài tuần tới.
Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, trong dài hạn, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi các thông tin như cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro, cuộc xung đột tại Iraq, Ukraine, dải Gaza, bất kỳ một hoặc nhiều hơn cuộc khủng hoảng này lan rộng, giá vàng sẽ nhanh chóng vọt tăng trở lại.
Kết thúc phiên 14/7, giá vàng giao ngay giảm 32,20 USD (-2,41%), xuống 1.306,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 30,7 USD (-2,20%), xuống 1.306,7 USD/ounce.
Giá dầu hồi phục nhẹ trở lại trong phiên đầu tuần sau tuần giảm mạnh trước đó do dấu hiệu cải thiện nguồn cung từ các nước sản xuất lớn và nhu cầu yếu ở các thị trường tiêu thụ lớn. Dù phục hồi trong phiên đầu tuần, nhưng giá dầu vẫn đứng ở mức thấp nhất gần 3 tháng.
Kết thúc phiên 14/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,08 USD (+0,08%), lên 100,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,30%), lên 106,98 USD/thùng.