Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones giảm 44,05 điểm (-0,26%), lên 17.024,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,79 điểm (-0,39%), xuống 1.977,65 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,4 điểm (-0,77%), xuống 4.451,53 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại nhận ngay thông tin không tích cực khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Theo dữ liệu vừa được công bố, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 1,8% trong tháng 5, mức giảm mạnh nhất trong 2 năm qua, gây áp lực lên nền kinh tế châu Âu. Đức là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro cũng như cả châu Âu, đây chính là đầu tàu kinh tế của khu vực. Vì vậy, thông tin không tích cực của kinh tế Đức vừa được công bố khiến chứng khoán châu Âu, đặc biệt là Đức giảm mạnh trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 42,54 điểm (-0,62%), xuống 6.823,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 103,01 điểm (-1,03%), xuống 9.906,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 63,22 điểm (-1,41%), xuống 4.405,76 điểm.
Không chịu tác động lớn từ kinh tế vĩ mô như chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á lại nhận thông tin không mấy tích cực từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, nhất là từ Samsung. Hãng điện tử này cho biết, lợi nhuận trong quý II của tập đoàn có thể giảm 24,5%. Ngoài ra, chứng khoán châu Á, nhất là chứng khoán Nhật Bản còn chịu áp lực chốt lời sau khi leo lên mức cao nhất 5 tháng rưỡi cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 57,69 điểm (-0,37%), xuống 15.379,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,44 điểm (-0,02%), xuống 23.540,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 0,55 điểm (+0,03%), lên 2.059,93 điểm.
Giá vàng giảm mạnh khi bước vào phiên đầu tuân do áp lực chốt lời kỹ thuật. Tuy nhiên sau thông tin về sản lượng công nghiệp đáng thất vọng của Đức được công bố, giá kim loại quý này đã dần hồi phục và đóng cửa sát mức đóng cửa phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 7/7, giá vàng giao ngay giảm 0,5 USD (-0,04%), xuống 1.319,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,6 USD (-0,27%), xuống 1.317,0 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên đầu tuần khi cuộc xung đột tại Iraq và cuộc khủng hoảng tại Ukraine chưa gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng nào của nguồn cung như lo ngại trước đó của giới đầu tư.
Kết thúc phiên 7/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,53 USD (-0,51%), xuống 103,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,76 USD (-0,69%), xuống 110,24 USD/thùng.