Chứng khoán hồi nhẹ, dầu lao dốc

(ĐTCK) Nỗi lo về sức khỏe của ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha giảm bớt giúp chứng khoán Âu, Mỹ hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, giá dầu thô lao dốc mạnh trở lại chỉ sau 1 phiên hồi nhẹ trước đó.
Ảnh: Reuters Ảnh: Reuters
Vào cuối phiên thứ Năm, Banco Espirito Santo, ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha cho biết, rủi ro cho vay của cổ đông sáng lập và công ty mẹ không ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng này. Sau thông tin này, đà rơi của các cổ phiếu ngân hàng đã bị chặn lại, giúp chứng khoán Mỹ hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần.

Dù hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên giảm mạnh trong tuần, Phố Wall không tránh khỏi tuần giảm điểm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp, trong đó, S&P 500 có tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 4.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones tăng 28,74 điểm (+0,17%), lên 16.943,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,89 điểm (+0,15%), lên 1.967,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,29 điểm (+0,44%), lên 4.415,49 điểm.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,73%, chỉ số S&P 500 giảm 0,9%, chỉ số Nasdaq giảm 1,57%.

Tuần tới, Phố Wall sẽ đón nhận nhiều thông tin tác động quan trọng. Đầu tiên phải kể đến kết quả kinh doanh quý II của các ngân hàng được công bố với nhiều tên tuổi lớn như Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley, JPMorgan, Bank of America. Tiếp đó là cuộc điều trần 2 ngày của Chủ tịch FED Janet Yallen trước Quốc hội Mỹ. Tiếp nữa là niềm tin tiêu dùng và doanh số bán lẻ.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần nhờ nỗi lo về ngân hàng ngành của Bồ Đào Nha giảm bớt.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,80 điểm (+0,27%), lên 6.690,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,21 điểm (+0,07%), lên 9.666,34 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 15,24 điểm (+0,35%), lên 4.316,50 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 5 liên tiếp trong phiên cuối tuần, đóng cửa ở mức thấp nhất 1 tuần rưỡi do lo ngại về sức khỏe của ngân hàng Bồ Đào Nha được tung ra phiên trước. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đảo vị thế cho nhau, trong khi chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ trở lại, thì chứng khoán Trung Quốc có được sắc xanh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 52,43 điểm (-0,34%), xuống 15.164,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,54 điểm (-0,02%), xuống 23.233,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 8,62 điểm (+0,42%), lên 2.046,96 điểm.

Những lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và sức khỏe các ngân hàng đã giúp giá vàng có tuần tăng mạnh. Trong phiên cuối tuần, trong khi giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD, thì giá vàng giao tháng 8 lại giảm nhẹ 2,4 USD. Tuy nhiên, tính chung trong tuần, giá vàng giao tháng 8 vẫn có mức tăng 1,2%.

Kết thúc phiên 11/7, giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD (+0,28%), lên 1.339,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 2,4 USD (-0,18%), xuống 1.337,4 USD/ounce.

Theo cuộc khảo sát của Kitco, trong số 37 người được hỏi về xu hướng của giá vàng tuần tới, bao gồm các đại lý vàng, giới phân tích kỹ thuật, ngân hàng đầu tư và cả các nhà đầu tư, có 25 người trả lời, trong đó có 17 người dự đoán giá vàng sẽ tăng, 6 người dự báo sẽ giảm và 2 người cho rằng giá kim loại quý này sẽ đi ngang trong tuần.

Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thô lao mạnh khi cuộc xung đột tại Trung Đông ít có dấu hiệu làm giảm mạnh nguồn cung.

Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,10 USD (-2,08%), xuống 100,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,01 USD (-1,88%), xuống 106,66 USD/thùng.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục