Chứng khoán khởi sắc, vàng lao dốc

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế tích cực liên tiếp được công bố giúp chứng khoán khởi sắc trở lại, trong khi giá vàng giảm tính hấp dẫn nên lao dốc mạnh.
Phố Wall đã có phiên khởi sắc khi niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall đã có phiên khởi sắc khi niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại (Ảnh minh họa: AFP)

Sau khi dữ liệu doanh số bán nhà đã xây tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 4, kinh tế Mỹ lại đón nhận thông tin tích cực khác khi doanh số bán nhà mới tăng mạnh nhất trong 24 năm trong tháng 4, lên mức cao nhất 8 năm, cho thấy sự chắc chắn trong đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý II.

Cụ thể, theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán nhà mới của Mỹ trong tháng 4 tăng 16,6%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1992, lên mức điều chỉnh theo mùa 619.000 đơn vị, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Giới phân tích dự báo, mức tăng là 10,2%, lên 523.000 đơn vị.

Dữ liệu doanh số bán nhà mới trong tháng 2 và tháng 3 cũng được điều chỉnh tăng thêm 39.000 đơn vị so với con số công bố trước đó.

Với dữ liệu kinh tế tích cực liên tiếp được công bố và lạm phát tăng cao, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 đang cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khác với sự hoảng sợ mỗi lần khả năng Fed tăng lãi suất như trước đây, hiện giới đầu tư đã yên tâm hơn nhờ dữ liệu kinh tế chắc chắn hơn trước đây.

Ngược lại, với khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại khởi sắc, góp phần giúp phố Wall hồi phục mạnh mẽ trong phiên thứ Ba, trong đó chỉ số Nasdaq có phiên tăng mạnh nhất 3 tháng.

Kết thúc phiên 24/5, chỉ số Dow Jones tăng 213,12 điểm (+1,22%), lên 17.706,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,02 điểm (+1,37%), lên 2.076,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 95,27 điểm (+2,00%), lên 4.861,06 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trở lại trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 4 tuần. Cũng như phố Wall, các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng là động lực chính cho sự bứt phá của thị trường. Daniele Nouy, thanh tra trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, Ngân hàng đã làm việc trên cơ sở những đề xuất mới cho các khoản vay dưới chuẩn, một trong vẫn đề lớn nhất đối với nền kinh tế của khu vực.

Kết thúc phiên 24/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 82,83 điểm (+1,35%), lên 6.219,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 215,02 (+2,18%), lên 10.057,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 106,42 điểm (+2,46%), lên 4.431,52 điểm.

Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ khởi sắc, thì chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm với biên độ mạnh hơn trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản giảm khi giới đầu tư không chắc chắn về khả năng Tokyo sẽ can thiệp để làm yếu đồng yên trước sự phản đối của Mỹ, khiến nhà đầu tư mất niềm tin. Chứng khoán Trung Quốc cũng điều chỉnh khá mạnh trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại phục hồi nhẹ.

Kết thúc phiên 24/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 155,84 (-0,94%), xuống 16.498,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 21,4 (+0,11%), lên 19.830,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 21,98 điểm (-0,77%), xuống 2.821,67 điểm.

Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 lên cao khiến sự hấp dẫn của vàng bị giảm đáng kể. Dòng tiền ồ ạt rút khỏi kênh đầu tư vàng để chuyển đến các kênh đầu tư có nhiều lợi nhuận hơn như chứng khoán, khiến giá kim loại quý này lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba. Ngoài ra, sức mạnh của đồng USD cũng gây sức ép lên giá vàng, đẩy giá kim loại quý này xuống mức thấp  nhất 4 tuần.

Kết thúc phiên 24/5, giá vàng giao ngay giảm 21,3 USD (-1,71%), xuống 1.226,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 22,3 USD (-1,78%), xuống 1.229,2 USD/ounce.

Bất chấp đồng USD mạnh, giá dầu thô vẫn hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba khi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ.

Đầu tiên là dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cho thấy đà tăng vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Tiếp đó, theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 5,1 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 536,8 triệu thùng, mạnh hơn so với dự báo của các nhà phân tích.

Kết thúc phiên 24/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,54 USD (+1,11%), lên 48,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,26 USD (+0,53%), lên 48,61 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục