Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, phố Wall tiếp tục có những nỗ lực để duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, đặc biệt là Apple. Tuy nhiên, cuối cùng đà tăng đã không được duy trì khi giới đầu tư lo ngại khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng tới.
Cả Chủ tịch Fed San Francisco, John Williams và người đồng tại St. Louis, James Bullard đều có ý kiến mang tính diều hâu trong chính sách tiền tệ (tức muốn tăng lãi suất) trong 2 bài phát biểu riêng biệt vào thứ Hai.
Các dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố cũng cũng cố cho khả năng Fed sẽ sớm tăng lãi suất trong thời gian tới.
Kết thúc phiên 23/5, chỉ số Dow Jones giảm 8,01 điểm (-0,05%), xuống 17.492,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,28 điểm (-0,21%), xuống 2.048,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,78 điểm (-0,08%), xuống 4.765,78 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng quay đầu giảm điểm trong phiên đầu tuần mới dù nhận được thông tin tích cực từ Hy Lạp khi Athens đồng ý một loạt cải cách để mở đường cho việc nhận các khoản vay mới. Chứng khoán châu Âu giảm do ảnh hưởng từ một số mã lớn như Bayer, Fiat… Trong khi Deutsche Bank cũng đưa ra báo cáo đánh giá khá tiêu cực về chứng khoán châu Âu với lý do sẽ chịu tác động tiêu cực từ kinh tế Trung Quốc và Fed tăng lãi suất.
Ngoài ra, thông tin mới công bố cũng không ủng hộ cho thị trường chứng khoán. Cụ thể, chỉ số PMI trong tháng 5 của khu vực đồng euro giảm xuống mức 52,9 từ mức 53 trong tháng 4, thấp hơn dự báo, nhưng vẫn ở mức trên 50 cho thấy có sự tăng trưởng.
Kết thúc phiên 23/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 19,89 điểm (-0,32%), xuống 6.136,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 73,73 (-0,74%), xuống 9.842,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 28,8 điểm (-0,66%), xuống 4.325,10 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau tuần tăng điểm trước đó, chứng khoán Nhật Bản đã quay đầu giảm trở lại trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư lo ngại Chính phủ Nhật sẽ tăng thuế bán hàng trong tháng 4, giáng thêm đòn nữa vào nền kinh tế vốn đang chậm chạp của nước này.
Chứng khoán Hồng Kông cũng đã không duy trì được sự tích cực ban đầu khi giới đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc và việc Fed tăng lãi suất. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tiếp tục có phiên tăng điểm khá tốt đầu tuần.
Kết thúc phiên 23/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 75,75 (-0,45%), xuống 16.654,6 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 43,17 (-0,22%), xuống 19.809,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 18,16 điểm (+0,64%), lên 2.843,65 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng tiếp tục có phiên giảm nhẹ và dao động hẹp ở mức thấp nhất 3 tuần khi lo ngại về việc Fed tăng lãi suất đang gia tăng. Đồng USD dù hạ nhiệt sau chuỗi tăng liên tiếp, nhưng vẫn đang ở mức cao nhất gần 2 tháng cũng gây áp lực lên các loại hàng hóa được định giá vàng đồng bạc này.
Kết thúc phiên 23/5, giá vàng giao ngay giảm 3,7 USD (-0,3%), xuống 1.248,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,4 USD (-0,11%), xuống 1.251,5 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần mới do sức ép từ đồng USD mạnh, nhưng mức giảm cũng không quá lớn khi thị trường nhận được những thông tin hỗ trợ. Cụ thể, theo thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự báo, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước có thể giảm 2,5 triệu thùng, xuống 538,8 triệu thùng. Kho dự trữ xăng có thể giảm 1,3 triệu thùng và kho dự trữ sản phẩm dầu chưng cất gồm diesel, dầu nóng có thể giảm 1 triệu thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố vào ngày thứ Ba và Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày thứ Tư.
Kết thúc phiên 23/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,33 USD (-0,69%), xuống 48,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,37 USD (-0,77%), xuống 48,35 USD/thùng.