Chứng khoán khởi sắc dù đối mặt nhiều lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc phiên ngày thứ Sáu (25/9) trong sắc xanh, đánh dấu tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp và khép lại một tuần giao dịch tích cực dù có khởi đầu tồi tệ.
Chứng khoán khởi sắc dù đối mặt nhiều lo ngại

Thứ Sáu, cổ phiếu hãng thời trang thể thao Nike giảm 6,3% và là lực cản lớn nhất đối với Dow Jones và S&P 500 sau khi công ty này đưa ra dự báo doanh số bán hàng kém cỏi trong quý III và cảnh báo về sự ảm đạm trong mùa mua sắm nghỉ lễ, nguyên nhân dẫn đến điều này là do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Mặt khác, tâm lý của nhà đầu tư trong phiên cuối tuần ít nhiều bị ảnh hưởng bởi động thái của Bắc Kinh liên quan đến tiền ảo. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Sáu tuyên bố tất cả các hoạt động liên quan đến tiền ảo ở Trung Quốc là bất hợp pháp, các sàn tiền ảo nước ngoài cung cấp dịch vụ ở đại lục cũng là bất hợp pháp.

Giá tiền ảo và cổ phiếu liên quan đến tiền ảo đồng loạt giảm mạnh sau tuyên bố trên. Cổ phiếu sàn Coinbase và nền tảng giao dịch Robinhoon giảm hơn 2%.

Đà sụt giảm của Nike và các cổ phiếu tiền ảo được bù đắp bởi các cổ phiếu liên quan đến tái mở cửa kinh tế. Cổ phiếu dịch vụ truyền thông S&P tăng 0,7% và là ngành tăng điểm lớn thứ hai trong phiên sau ngành năng lượng, tăng 0,8%. Cổ phiếu công nghệ cũng có phiên tích cực với Facebook tăng 2% và Tesla tăng 2,7%.

Thị trường Mỹ phục hồi sau đợt bán tháo mạnh vào đầu tuần một phần do lo ngại nguy cơ vỡ nợ tại tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc vỡ nợ và rủi ro tiềm tàng của cuộc khủng hoảng này đối với thị trường tài chính toàn cầu.

Hôm thứ Sáu, đơn vị sản xuất ô tô điện của Evergrande cho biết đang phải đối mặt với một tương lai vô định trừ khi được nhanh chóng rót thêm, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản của tập đoàn bất động sản đang trở nên tồi tệ hơn khi lan sang cả các hoạt động kinh doanh.

Dow Jones và S&P 500 kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh song Nasdaq Composite giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones tăng 33,18 điểm (+0,1%), lên 34.798,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,5 điểm (+0,15%), lên 4.455,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,55 điểm (-0,03%), xuống 15.047,70 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 0,6%, S&P 500 tăng 0,5% và Nasdaq Composite gần như đi ngang.

Chứng khoán châu Âu quay đầu giảm hôm thứ Sáu do lo ngại về cuộc khủng hoảng của Evergrande trở lại, đồng thời dữ liệu niềm tin kinh doanh yếu kém của Đức đã khiến các nhà đầu tư có động thái chốt lời sau đợt tăng giữa tuần.

Các nhà đầu tư lại lo lắng về Evergrande khi thời hạn thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu đã qua mà không có phản hồi từ công ty. Tập đoàn Trung Quốc có thể trả lãi muộn trong vòng 30 ngày trước khi bị xác định vỡ nợ.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,87 điểm (-0,38), xuống 7.051,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 112,22 điểm (-0,72), xuống 15.531,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 53,52 điểm (-0,95), xuống 6.638,46 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 1,26%, DAX tăng 0,27%, CAC 40 giảm 1,40%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, dẫn đầu bởi các cổ phiếu chu kỳ với hy vọng phục hồi kinh tế, khi các nhà đầu tư lạc quan rằng, bất kỳ tác động nào từ sự sụp đổ của Evergrande sẽ không lan sang các thị trường khác.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về việc Evergrande không thể thanh toán được khoản 83,5 triệu USD lãi trái phiếu đã đến hạn trả nợ. Kéo theo đó, chứng khoán Hồng Kông cũng đỏ lửa.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm nhẹ khi lo lắng về Evegrande lại nổi lên.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 609,41 điểm (+2,06%), lên 30.248,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,15 điểm (-0,80%), xuống 3.613,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 318,82 điểm (-1,30%), xuống 24.192,16 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 2,34 điểm (-0,07%), xuống 3.125,24 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,82%, Shanghai Composite giảm 0,02%, Hang Seng giảm 2,92%, KOSPI giảm 0,49%.

Sau hai phiên giảm, giá vàng đêm qua đảo chiều tăng khi đồng USD suy yếu và nhu cầu đối với tài sản an toàn tăng do giới đầu tư lo ngại về số phận của "bom nợ" Evergrande.

Kết thúc phiên 24/9, giá vàng giao ngay tăng 7,40 USD (+0,42%), lên 1.750,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 2,00 USD (+0,11%), lên 1.749,70 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 0,02%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 18 chuyên gia trên phố Wall, tâm lý tiêu cực bao trùm khi chỉ có 4 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 11 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 850 người tham gia, 45% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 36% cho rằng giá vàng giảm và 19% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu tăng tuần thứ ba liên tiếp lên mức cao nhất gần ba năm vào thứ Sáu trong bối cảnh gián đoạn sản lượng toàn cầu đã buộc các công ty năng lượng phải rút một lượng lớn dầu thô dự trữ khỏi hàng tồn kho.

Trong một báo cáo, các nhà phân tích của ngân hàng UBS dự báo giá dầu Brent có thể đạt mức 80 USD/thùng vào cuối tháng 9 do lượng dầu tồn kho giảm.

Kết thúc phiên 24/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,68 USD (+1,5%), lên 73,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,84 USD (+1,1%), lên 78,09 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent tăng 3,7% và dầu thô WTI tăng 2,8%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ